Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 98, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận, trong năm vừa qua, hội đồng tư vấn đã làm được rất nhiều việc. Trong đó, hội đồng đã giúp UBND TP trình HĐND thông qua 24 nghị quyết, cụ thể hóa 19/27 cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, các nội dung liên quan đến Nghị quyết 98 còn rất nhiều. Do đó, ông Trần Hoàng Ngân kỳ vọng hội đồng sẽ tiếp tục tập trung trong năm 2024 để sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù còn lại.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ băn khoăn khi các nhiệm vụ trong năm 2024 không đề cập tới chương trình đào tạo nhân lực, trong khi đây là nền tảng cơ bản. Việc đào tạo nhân lực của TP.HCM cần gắn với hệ sinh thái và đặc thù phát triển thành phố, chuyển đổi cấu trúc phát triển sang các ngành công nghệ cao. Nếu không chuyển đổi, TP.HCM có khả năng đánh mất cơ hội.
Về phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro), KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để TP.HCM hoàn thành được hệ thống 220km metro vào năm 2035 theo Kết luận 49/2023 của Bộ Chính trị là một nhiệm vụ khó khăn.
Trong thực tế, thành phố mất gần 20 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện tuyến metro số 1. Do đó, cần có tư duy khác, cách làm khác cách làm hiện nay.
Từ cách tiếp cận đó, ông Sơn cho rằng để làm đường sắt đô thị cần một tổ hợp đa ngành với nhiều vấn đề nằm ngoài tầm Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đền bù…
Ông Sơn đề xuất thành lập Tập đoàn Metro và TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) như một công ty cổ phần. Thành phần đầu tiên là sở ngành liên quan; còn UBND TP.HCM là người có cổ phần cao nhất trong tập đoàn, điều phối nhịp nhàng các sở, ngành.
Về cách làm, theo ông Sơn cần tiếp cận với tư duy đa ngành chứ không đơn ngành. Nhất là giải phóng mặt bằng, đền bù xong toàn tuyến mới khởi công, nếu không sẽ rất vướng vì giá đất sẽ tăng nhanh sau khi khởi công.
Góp ý cho việc xây dựng hệ thống metro, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng đời sống người dân, tăng năng lực cạnh tranh của địa phương; tuy nhiên, thành phố nên cân nhắc, điều chỉnh lại thời gian triển khai hơn 200km metro để đảm bảo tính khả thi.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, không chỉ đường sắt đô thị mà các vấn đề khác của thành phố, UBND TP đều chỉ đạo tiếp cận đa ngành, tổng thể theo mục tiêu phát triển bền vững và lấy người dân làm trung tâm.
Đây là lý do mà thành phố thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác thời gian qua. "Ví dụ như trong đền bù, tái định cư tuyến Vành đai 3, thành phố khẳng định phải ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng bởi dự án phải bằng hoặc hơn cuộc sống cũ", Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh.
Trong việc xây dựng hệ thống metro, ông Mãi cho biết, tư duy đa ngành được thành phố tiếp cận ngay từ đầu, Ban Quản lý đường sắt đô thị đóng vai trò thường trực, các sở ngành liên quan phối hợp dưới sự chỉ đạo, điều hành của UBND TP.
UBND TP sẽ tiếp tục rà soát lại kế hoạch để làm rõ trách nhiệm liên ngành, làm sao để công việc, các khâu được thực hiện đồng bộ, tránh việc này không hoàn thành sẽ đẩy việc khác vào thế khó.
Liên quan đến TOD, thành phố cũng thành lập một tổ đa ngành do Chủ tịch UBND TP làm Tổ trưởng, đồng thời sẽ nghiên cứu thêm về đề xuất thành lập Tập đoàn Metro và TOD.
Theo Kết luận 49/2023 của Bộ Chính trị, TP.HCM đã được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (hoặc đường sắt một ray) tổng chiều dài 220km, vốn đầu tư ước tính khoảng 25 tỷ USD. Trong đó, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã được triển khai, những tuyến còn lại chưa đầu tư.