Dân Việt

Thanh niên Trung Quốc từ bỏ công việc truyền thống, lựa chọn sống cho chính mình

Báo Tin tức 17/02/2024 13:03 GMT+7
Đối mặt với triển vọng việc làm ngày càng u ám khi nền kinh tế phục hồi chậm chạp, Chu Yi đang lựa chọn sống theo xu hướng “nằm bẹp”, rũ bỏ mọi áp lực để làm những gì mình thích.
Thanh niên Trung Quốc từ bỏ công việc truyền thống, lựa chọn sống cho chính mình- Ảnh 1.

Ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc lựa chọn lối sống chậm hơn. Ảnh: Streetsnap Thượng Hải

Theo hãng tin Reuters (Anh), Chu, cô gái 23 tuổi sống ở Thượng Hải, từng làm việc tại một công ty thời trang nhưng đã nghỉ việc cách đây 2 năm vì thường xuyên phải làm thêm giờ. Hiện tại, cô chỉ làm việc một ngày trong tuần cho một công ty du lịch. Điều này đã giúp Chu có nhiều thời gian để học bộ môn xăm hình trong chương trình học nghề kéo dài 6 tháng với nỗ lực trở thành nghệ nhân xăm hình mà cô mong muốn.

Chu không phải người trẻ duy nhất lựa chọn sống theo xu hướng “nằm bẹp”. Dù không có dữ liệu về số lượng thanh niên từ bỏ các công việc truyền thống, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6/2023 trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang nỗ lực để phục hồi về mức tăng trưởng trước đại dịch. Một số sinh viên mới tốt nghiệp đại học nói rằng họ phải kinh doanh để tìm nguồn thu nhập.

“Đối với tôi, công việc không mang lại nhiều ý nghĩa. Hầu hết công việc đó dường như là hoàn thành công việc cho quản lý và khiến người quản lý hài lòng. Vì thế tôi quyết định không làm việc nữa”, Chu chia sẻ.

Tại Trung Quốc, có khoảng 280 triệu thanh niên Trung Quốc sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2010. Các cuộc khảo sát cho thấy thế hệ Z này là nhóm bi quan nhất trong tất cả các nhóm tuổi của cả nước. Do đó, việc xoa dịu thế hệ này trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất gần nửa thế kỷ là một thách thức quan trọng trong việc hoạch định chính sách đất nước.

Tháng trước, Bộ nguồn nhân lực cho biết Trung Quốc cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy việc làm vào năm 2024, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Thanh niên Trung Quốc từ bỏ công việc truyền thống, lựa chọn sống cho chính mình- Ảnh 2.

Xưởng vẽ của một người trẻ ở Jingdezhen, thủ đô đồ sứ cổ ở tỉnh Giang Tây, phía đông Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Bà Zhou Yun, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan, nhận định mặc dù có vẻ một số thanh niên đã lựa chọn không tham gia vào cuộc cạnh tranh vô tận trong các công ty, nhưng không thể phớt lờ tình trạng bi quan về tương lai của giới trẻ.

Khi nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm và thị trường lao động vẫn thắt chặt, “thách thức sâu sắc đối với những người trẻ tuổi là vượt qua những bất bình đẳng xã hội cứng nhắc, thắt chặt kiểm soát chính trị và triển vọng kinh tế mờ mịt”, bà Zhou nói.

Tất cả những điều này kết hợp lại đang khiến những người trẻ, như cô Chu, ưu tiên hạnh phúc và lợi ích của bản thân hơn cái mà cô gọi là “áp lực không ngừng” của công việc ở công ty. Chu chia sẻ hiện tại cô hạnh phúc hơn rất nhiều và tin rằng sự lựa chọn của mình là đáng giá.

“Mức lương hiện tại của tôi tuy không nhiều nhưng cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Thời gian rảnh có giá trị hơn hàng nghìn nhân dân tệ”, cô Chu nói.

Thanh niên Trung Quốc từ bỏ công việc truyền thống, lựa chọn sống cho chính mình- Ảnh 3.

Lễ tốt nghiệp tại một trường đại học ở Vũ Hán, Trung Quốc năm 2021. Ảnh: Getty images

Xu hướng rũ bỏ những áp lực của cuộc sống không chỉ diễn ra tại Trung Quốc. Ở cả Mỹ và châu Âu, các nhà kinh tế học đang bàn luận về một cuộc “đại từ chức”, với hàng triệu người lao động muốn nghỉ hưu, bỏ việc hoặc từ chối làm công việc mà họ coi là vô nghĩa.

Vậy những xu hướng đó có phải giống cách sống “nằm bẹp” ở Trung Quốc hay không? Tiến sĩ Lauren Johnston, cộng sự nghiên cứu tại Viện Trung Quốc, Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London, cho biết có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến câu chuyện này.

Đầu tiên, một bộ phận người trẻ tuổi ở nông thôn khi đến Bắc Kinh hoặc Thượng Hải thì cảm thấy họ bị thua kém về khả năng kiếm tiền mua nhà hay cạnh tranh với những đứa trẻ lớn lên ở thành phố, nói tiếng Anh và ăn mặc sành điệu.

Tiến sĩ Johnston giải thích một số người trong bộ phận này có thể đang nghĩ đến việc từ bỏ tất cả, trở về quê hương cũng như nhận những công việc được trả lương thấp hơn để được ở bên gia đình của họ. Ông cho rằng cái gọi là văn hóa "mẹ hổ" của Trung Quốc cũng là một rào cản. Bậc phụ huynh cảm thấy bản thân chịu trách nhiệm lớn trong việc giúp con mình đạt được thành tích cao, chỉ riêng trường học là không đủ. Họ cảm thấy họ phải trả tiền để con học thêm toán, tiếng Trung, tiếng Anh và âm nhạc, hoặc chuẩn bị cho các kỳ thi đầu vào cạnh tranh khốc liệt.

Những điều này có khả năng thay đổi do Trung Quốc đang đối mặt với một bức tranh kinh tế khó khăn: tăng trưởng chậm lại, nợ gia tăng còn lĩnh vực bất động sản bị thu hẹp.