Mới đây, câu chuyện về một phụ huynh có con học mầm non ở Hà Nội phản ánh nhà trường thiếu trách nhiệm đến học sinh được dư luận quan tâm. Cụ thể, học sinh nghỉ học đến nửa tháng vì bị gãy chân ở trường nhưng nhà trường không đến hỏi thăm.
Theo đó, anh Lương Xuân Đồng, phụ huynh có con học tại Trường Mầm non Kim Chung B, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cho biết, vào khoảng 17h ngày 30/1, con trai anh là cháu N.L.H.K chơi trong sân trường đã bị ngã từ cầu trượt gây đau chân. Lúc đó, mẹ của K cũng có mặt ở trường nên đã đưa cháu về. Sự việc này cũng được cô giáo phụ trách lớp cháu K chứng kiến.
Chiều hôm đó gia đình anh Đồng có đưa con ra phòng khám nhưng phòng khám không mở cửa nên đã cho cháu về vì nghĩ chỉ bị bong gân do va đập. Nhưng đến sáng hôm sau con khóc lóc, ôm chân đau đớn, vợ chồng anh Đồng cho con đi khám thì được thông báo phải bó bột gấp vì gãy chân. Sau đó anh Đồng cũng đã đến trường để xin phép cho con nghỉ học.
"Điều khiến tôi bức xúc là nửa tháng trôi qua không có ai từ phía nhà trường quan tâm, thăm hỏi con trai tôi. Tôi cảm thấy cách ứng xử trên của nhà trường khi học sinh bị ngã gãy chân ở sân trường là thiếu trách nhiệm, không có tính giáo dục", anh Đồng bức xúc nói.
Liên quan đến câu chuyện trên, trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Bùi Thị Lĩnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Chung B, xác nhận: "Sau giờ đón trẻ ngày 30/1, mẹ của bé K cho con ra sân chơi, sau đó con bị ngã gãy chân. Lúc đó cũng có ban phụ huynh đưa con đi phòng khám. Cô giáo và mẹ vẫn trao đổi, hỏi thăm nhau".
Cô Lĩnh chia sẻ thêm: "Bình thường học sinh ốm đau, nhà trường đều đến thăm hỏi các em. Thực sự trong trường hợp này có sơ suất vì giáo viên không báo cáo cho nhà trường và trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên ban giám hiệu chưa đến thăm hỏi con kịp thời. Nhà trường rút kinh nghiệm sâu sắc. Ngay sau khi nhận phản ánh, nhà trường đã lập tức đến thăm hỏi em K".
Nói về trò chơi ở sân trường khiến học sinh bị ngã gãy chân, cô Linh cho hay: "Nhà trường sắp xếp và phân chia khu vực mẫu giáo và nhà trẻ sẽ có đồ chơi riêng. Đồ chơi của trường mới được cấp phát về và đã kiểm tra an toàn. Không hiểu lý do vì sao em K bị ngã gãy chân".
Xoay quanh câu chuyện "học sinh bị gãy chân nửa tháng nhưng trường không hỏi thăm", Thạc sĩ Giáo dục Ngô Thanh Huyền, từng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Bansomdej Chaopraya, Bangkok, Thái Lan, nhận xét: "Tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng học sinh bị gãy chân mà nhà trường không thăm hỏi thì rất tắc trách, thờ ơ.
Tuy nhiên, cô giáo lớp con bị tai nạn biết mà không báo với Ban Giám hiệu lại là lỗi của giáo viên. Việc này cần đánh giá lại kỹ năng ứng xử và xử lý nghiệp vụ của cô giáo. Thông thường, học sinh ốm quá 3 ngày là cô giáo và Ban Giám hiệu sẽ tới nhà hoặc đến viện hỏi thăm. Đó là tình yêu thương và trách nhiệm của người làm giáo dục.
Với gia đình, khi con gặp vấn đề về sức khỏe thì cần báo ngay với giáo viên để nắm bắt thông tin. Nếu gia đình không báo, giáo viên và nhà trường không thể biết hết được vì trường công lập thường rất đông học sinh".
Thạc sĩ Huyền nhấn mạnh: "Học sinh mầm non còn nhỏ, chưa nhận thức được như học sinh các cấp khác nên giáo viên và người đứng đầu nhà trường luôn phải sát sao, quan tâm. Có một câu giáo viên luôn phải ghi nhớ là: "Học sinh ở đâu thì cô ở đó". Cô giáo không được rời mắt khỏi học sinh vì xung quanh các em tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn thương tích".
Ngoài ra, các trò chơi trong nhà trường thường đã được kiểm định an toàn. Tuy nhiên, cho trẻ chơi trò chơi gì cần phải có sự giám sát của người lớn và phải dạy cho trẻ cách chơi. Bố mẹ cũng cần tham gia dạy con chứ không phải phó mặc con cho nhà trường. Con ngã gãy chân có thể là do con nghịch, chơi sai chứ không phải trò chơi không an toàn".