Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết được quy hoạch có 2 trạm dừng nghỉ tại Km144+560 (huyện Tuy Phong) và Km205+092 (huyện Hàm Thuận Bắc).
Hiện nay, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Hàm Thuận Bắc để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Đối với trạm dừng nghỉ tại Km144+560, dự kiến bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho huyện Tuy Phong trong tháng 2/2024.
Riêng cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có 1 trạm dừng nghỉ tại Km47+500 nằm trên địa bàn 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Đối với phần diện tích trạm dừng nghỉ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được UBND huyện Hàm Tân thực hiện xong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao cho Ban Quản lý dự án Thăng Long để triển khai dự án.
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, tình trạng ùn tắc giao thông trên đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết trước Tết Giáp Thìn đã xảy ra cục bộ tại nút giao giữa đường nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với Quốc lộ 1 thuộc huyện Tuy Phong.
Kẹt xe xảy ra theo hướng từ Bình Thuận đi các tỉnh miền Trung và sau Tết Giáp Thìn cũng xảy ra tình trạng tương tự với hướng Bắc – Nam.
Vì vậy, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đề nghị các cơ quan chức năng và trung ương xem xét, giải quyết các giải pháp đảm bảo ATGT trên đường cao tốc đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây theo kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận (Công văn số 3333/UBND-NCKSTTHC).
Việc này nhằm hạn chế TNGT và có giải pháp xử lý tình trạng ùn tắc giao thông vào các ngày nghỉ lễ. Song song đó là sớm triển khai đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các đoạn tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác. Bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc kết nối, giao thương, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các vùng miền và giảm áp lực lưu lượng phương tiện, hạn chế tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1…
Tuy nhiên, quá trình khai thác đến nay và khảo sát thực tế trên đoạn tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh cho thấy còn một số tồn tại, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Bởi trên hai đoạn tuyến chưa có hệ thống camera giám sát giao thông nên chưa kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm về tốc độ…
Đáng lưu ý là tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 2 người và bị thương 8 người; tuyến Phan Thiết - Dầu Giây 2 vụ TNGT làm chết 1 người và bị thương 1 người.
Hai đoạn tuyến cao tốc trên qua địa bàn tỉnh Bình Thuận dài 148 km nhưng chưa xây dựng trạm dừng nghỉ, gây mỏi mệt cho tài xế và hành khách, một số phương tiện dừng nghỉ dọc đường gây mất an toàn giao thông, mỹ quan, môi trường.
Bất cập nhất là cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ có 2 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp. Khi có xe gặp sự cố, nguy cơ cao xảy ra ùn tắc, mất an toàn giao thông. Tại các vị trí dừng khẩn cấp (khoảng cách trung bình 5km) không bố trí hệ thống chiếu sáng, đèn cảnh báo....
Để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác 3 trạm dừng nghỉ trên tuyến đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Xem xét đầu tư xây dựng làn dừng khẩn cấp, bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo (từ nguồn năng lượng mặt trời) tại các vị trí dừng khẩn cấp hai bên tuyến để ban đêm tài xế biết điểm dừng...
Chiều 19/2, anh Lê Thành Lâm, một tài xế xe tải chuyên chở hàng hải sản đông lạnh từ Ninh Thuận - Bình Thuận đi TP.HCM cho biết, anh vừa đi từ TP.HCM về Ninh Thuận qua cao tốc TP.HCM – Long Thành –Dầu Giây về Phan Thiết – Vĩnh Hảo rồi nghỉ ngơi ở Ninh Thuận chờ lấy hàng để quay lại TP.HCM.
“Tôi có thể khẳng định, từ khi 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (dài 99km, tốc độ cho phép 120km/h) và Vĩnh Hảo -Phan Thiết (dài 100,8km, tốc độ cho phép 90km/h) đưa vào hoạt động đến nay đã gần 1 năm, tôi thấy rất thuận tiện. Ngày càng có nhiều phương tiện tham gia giao thông, giúp kinh tế trong vùng được phát triển hơn trước rất nhiều...
Theo anh Lâm, gần 1 năm qua, trung bình mỗi tuần anh chạy 3 chuyến từ Ninh Thuận đến TP.HCM bỏ hàng rồi quay về qua các tuyến cao tốc trên. Dẫu thuộc đường, nhưng anh không bao giờ chủ quan khi ngồi trước vô lăng lái xe trên cao tốc, nhất là tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Nếu chạy ban đêm tôi càng cẩn thận hơn, bởi tuyến này không có đèn đường không có trạm dừng nghỉ và cũng không có làn dừng khẩn cấp như Phan Thiết – Dầu Giây… Nếu tốc độ cho phép 90 km/h thì tôi chỉ chạy 80 thôi và kinh nghiệm cho tôi thấy đây là “quy định” cần thiết cho bản thân mình nên tôi nhất quyết không vi phạm tốc độ…”, anh Lê Thành Lâm nói.
Nhiều bạn đọc là tài xế phản ánh với PV Dân Việt những bất cập ở 2 tuyến cao tốc này như hệ thống điện chiếu sáng ban đêm nhiều đoạn chưa có...
Đặc biệt là cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, làn đường khẩn cấp hẹp và ít (từ 5 - 7 km mới có nơi dừng xe khẩn cấp, chỉ dài hơn 150 m) nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nhất là ban đêm.
Tài xế xe tải Bùi Thành Đô (40 tuổi quê Khánh Hòa) cho biết, anh thường xuyên chạy xe tuyến cao tốc này nhưng “ớn” nhất là qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Do 2 tuyến cao tốc này không có trạm dừng nghỉ, nên nhiều tài xế đã buộc phải cho xe vào làn khẩn cấp để chợp mắt, hay đi ngoài. Vì vậy, rất nhiều xe dừng nghỉ trên làn đường khẩn cấp và mỗi lần xe ra, vào là mối đe dọa TNGT cho các phương tiện khác khi lưu thông với tốc độ nhanh, trong khi ban đêm thiếu đèn chiếu sáng thì càng nguy hiểm hơn...
Nhiều tài xế cho biết, đáng lo nhất là khi xe dừng nghỉ tạm trong dải dừng khẩn cấp rồi ra làn chạy 90km/h rất dễ bị sự cố khi xe phía sau tông vào. Nếu tài xế xe phía sau thiếu quan sát, rất dễ xảy ra sự cố tông vào đuôi xe từ dải dừng khẩn cấp vừa ra, nhất là ban đêm…
Trao đổi với Dân Việt, Thiếu tá Hoàng Xuân Ân – Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát GTĐB Cao tốc số 6 ( thuộc Cục CSGT – Bộ Công an) cho biết, nhằm đảm bảo ATGT trên các tuyến cao tốc Nha Trang – TP.HCM, lực lượng CSGT đã thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, bắn tốc độ và xử lý vi phạm trên các đoạn, tuyến cao tốc này.
Thiếu tá Hoàng Xuân Ân lưu ý, các tài xế tham gia trên tuyến này cần phải tuân thủ nghiêm các biển báo giao thông, giữ vững khoảng cách xe trước và sau cho an toàn, đặc biệt là không vi phạm tốc độ…
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết có chiều dài toàn tuyến khoảng 100,8km đi qua các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận có tổng mức đầu tư 10.850 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 9/2020 và đưa vào vận hành ngày 19/5/2023.
Trước Tết Giáp Thìn 2024, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề xuất Bộ GTVT nâng tốc độ tối đa trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết có 4 làn xe (mỗi chiều 2 làn và khoảng cách 5km có một dải dừng khẩn cấp) lên 90km/h. Như vậy từ ngày 6/2/2024, tài xế lưu thông trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được chạy tốc độ tối đa 90km/h thay vì 80km/h như trước đây.
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được khởi công vào tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng vừa khai thác từ 29/4/2023.
Điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc địa bàn huyện huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Cao tốc này được thiết kế với vận tốc tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h.