Nhà thơ Blaga Dimitrova đến Việt Nam lần đầu năm 1967 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt ở nước ta. Sau đó, bà còn trở lại Việt Nam năm lần nữa. Bà đến với tư cách nhà báo, nhà thơ, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp, đã làm việc với các nhà văn nhà thơ nổi tiếng Việt Nam, đã đi tới nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người dân. Và bà đã nhận một cô bé Hải Phòng 6 tuổi làm con nuôi đưa về nuôi dưỡng tại Bulgaria. Kết quả của những chuyến đi đó đã được Blaga Dimitrova thể hiện trong các tác phẩm: "Vây giữa tình yêu"; "Bầu trời dưới lòng đất"; "Ngày phán xử cuối cùng".
Tôi biết đến tên Blaga Dimitrova khi đang học phổ thông tại làng quê Hà Tĩnh. Hai tập sách của bà "Vây giữa tình yêu" (thơ, Xuân Diệu và Tế Hanh dịch từ tiếng Pháp) và "Ngày phán xử cuối cùng" (văn, Phan Hồng Giang dịch từ tiếng Nga) mà bà viết sau những cuộc đến thăm Việt Nam chiến đấu được dịch ra tiếng Việt ngay giữa lúc chiến tranh đang ác liệt đã làm cậu học trò nhỏ thích mê. Rồi về sau tôi còn đọc được những điều nhà thơ Xuân Diệu viết về bà. Rằng khi Blaga bước vào trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở 65 Nguyễn Du (Hà Nội) ông và tất cả cánh đàn ông nhà văn Việt đang có mặt để đón tiếp đều sững sờ vì bà đẹp quá. Rằng dịch và đọc thơ bà ông "cảm thấy sợ": "Chị ấy bay bằng tên lửa, còn mình thì đi bằng hai chân què của con vịt bầu… Khi phụ nữ có trí tuệ ngang đàn ông thì họ hơn đứt cánh đàn ông chúng ta cái tình cảm".
VÂY GIỮA TÌNH YÊU
Tác giả: Blaga Dimitrova
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2024
Số trang: 229 (khổ 14x22cm)
Số lượng: 300
Giá bán: 150.000đ
Nhưng phải nói thêm: tình cảm ấy là của một phụ nữ, một con người châu Âu, nên càng thêm sức nặng cho trí tuệ. Tư duy thơ, cảm quan thơ của một nhà thơ lớn châu Âu đã giúp bà phóng chiếu vào các cảnh quan hiện thực một chiều sâu triết học, một tầm tư tưởng lớn. Thơ bà viết về Việt Nam vì vậy đem lại một cái nhìn khác và mới cho chính người Việt về con người và dân tộc mình từ những khái quát, suy tưởng thường được bà đặt ở cuối bài nâng lên tầm nhận thức, tư tưởng của nhà thơ truyền đến người đọc thơ. Đọc tập thơ "Vây giữa tình yêu" thấy rõ điều này.
Thao tác tư duy thơ của Blaga ở đây là so sánh và đối lập. Đến nước Việt Nam đang oằn mình trong chiến tranh bà nghĩ mình sẽ chỉ gặp những đôi mắt khô khốc trống hoác. Nhưng không bà đã gặp được nụ cười. Nụ cười đó không chỉ cụ thể trong một cuộc gặp giúp người phụ nữ châu Âu vượt qua nỗi sợ chết chóc của chiến tranh. Mà qua nụ cười nhà thơ còn thấy rõ "nỗi đau, sự dịu dàng và sức mạnh của một Việt Nam bị xâm chiếm". Và còn hơn thế: "Nhờ nụ cười đó như thế/ tôi đã vượt qua mọi hiểm nguy/ từ đầu này đến đầu kia thế giới".
Cuộc kháng chiến của người dân Việt Nam qua lời thơ này của Blaga đã mang ý nghĩa cứu vớt nhân loại. Trong cuộc chiến bằng không quân của kẻ thù bầu trời là nơi gieo chết chóc và mặt đất là nơi bị thương tích do đạn bom dội xuống. Ấy vậy mà trong mắt nhà thơ nữ Bulgaria sự thật là trái lại: "Tôi chỉ thấy: những kẻ bị thương/ từ trên trời rơi xuống đất/ Còn mặt đất bị thương vẫn bình yên". Blaga chứng kiến một người mẹ nhận ra đứa con mình bị chết bom qua chiếc quai dép còn sót lại. Nhà thơ đã cúi đầu trên đôi quai dép bị mảnh bom cắt đứt tả tơi. Và bà nhận ra đó là những chiếc thòng lọng trên giá treo cổ "cho tất cả chúng ta/ đều có lỗi dù không phạm tội". Đó không chỉ là lời buộc tội kẻ ác. Đó còn là lời cảnh tỉnh loài người. Bởi thế Blaga thấy cảnh bầu trời bị những tiếng gầm rú của máy bay xé nát phá tan giấc ngủ con người là một sự xúc phạm Chúa vì kẻ thù – chúng đã "chà đạp lên nơi tận cùng/ của ánh sáng ban mai". Nghĩa là chiến tranh đã huỷ diệt ánh sáng. Như thị xã Phủ Lý mới đêm hôm trước nhà thơ còn thấy cuộc sống thời chiến vẫn diễn ra rạo rực, có một đám cưới đang sắp sửa, vậy mà sáng ra tất cả đã tan tành đổ nát trong trận bom của kẻ thù ném xuống.
Blaga tạo sự đối lập cực hay để sự tố cáo chiến tranh được đẩy lên cao nhất: có phải những tên phi công trút bom xuống cái thị xã này là vì radar trên máy bay bắt được tín hiệu thấy "sóng tình yêu dâng cao căng đầy". Chiến tranh đã huỷ diệt tình yêu. Vì vậy người chống lại chiến tranh là người tìm lại ánh sáng, cứu vớt tình yêu của con người, cho con người.
Việt Nam chiến tranh đã hiện ra thế đó trong thơ của Blaga Dimitrova. Vây giữa tình yêu là tên một bài thơ được bà lấy làm tên cả tập thơ. "Người Việt Nam bị vây giữa tình yêu" – nhà thơ vào đầu bài thơ bằng một câu khẳng định chắc chắn như vậy. Tại sao lại là "bị vây giữa tình yêu"? Vì cuộc sống căng thẳng giữa hai bờ tử sinh. Vì sự sống có thể bị cướp đi không biết lúc nào. Nên người Việt Nam dồn hết tình yêu thương cho nhau trong từng phút giây. Kết bài nhà thơ thêm một lần khẳng định: "Các bạn bị vây giữa tình yêu/ và đã trả một giá rất cao cho hạnh phúc". Từ đây nhà thơ phát hiện ra một nghịch lý: chiến tranh Việt Nam cướp đi sự sống của mọi thứ, nhưng lại làm sinh ra một tình yêu sự sống với đức hy sinh và khát vọng vô bờ. Quả là Blaga Dimitrova đã rất yêu và rất hiểu những người dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh.
Tôi kinh ngạc Blaga Dimitrova ở bài thơ "Người phụ nữ mang thai".
Chị bước đi kiêu hãnh và trang nghiêm,
mang thai với tất cả nỗi đau của thế giới
Chị đi một mình giữa ồn ào
và lắng nghe bên trong mình tiếng nói,
nơi có điều kỳ diệu đang rung rinh
Nơi một nắm tay trong bóng tối chật hẹp muốn vươn mình ra ánh sáng
Chị đi qua đống đổ nát hoang tàn của chết chóc
Trong tim chị chúng gào thét đến thế nào
Mọi vết nứt trên mặt đất đều làm chị đớn đau
Chị nhặt nhạnh những mảnh vỡ
của thế giới nát nhàu
đưa vào cơ thể mình và tạo nên thế giới mới
Chị thận trọng và chăm chú bước tới
Giữ trong mình như trong bình chứa mong manh
tiếng cười ròn của một tương lai xanh
và mang theo cả quả địa cầu ở phía trước. (tr. 58)
Bài thơ này Blaga Dimitrova viết năm 1967 tại Việt Nam, nơi bà tới lần đầu. Giữa cảnh đổ nát tang tóc sau một trận ném bom ở Hà Nội, một phụ nữ mang thai hiện ra và bước đi. Hình ảnh đó đập vào mắt nhà thơ. Bà bàng hoàng xúc động. Người phụ nữ đang mang cái sống trong mình nghĩ gì khi chứng kiến cái chết đang bày ra trước mặt. Tứ thơ đối chọi sống-chết đó được nhà thơ khai triển theo hướng cái chết phải khuất phục cái sống và người mang lại cái sống sau cái chết chính là người phụ nữ mang thai. Tầm vóc lớn lao đó đã được nói ngay ở câu thơ thứ hai: chị mang thai những nỗi đau buồn của cả thế giới! Một thế giới đang bị tan rã, bị phá hủy. Nhưng chị không tuyệt vọng vì chị đang mang một mầm sống trong mình và vì chỉ duy nhất chị nghe thấy được trong mình tiếng đập của mầm sống ấy vượt lên mọi âm thanh chết chóc ghê rợn bao quanh. Do vậy trông dáng đi của chị nhà thơ thấy chậm rãi và trang nghiêm dù là đi qua cảnh nhà cửa đổ nát, xác người ngổn ngang. Chị không chỉ sắp sinh ra một con người, chị còn phải tái tạo lại cả một thế giới đã bị vỡ toang ra. Một thế giới mới toàn vẹn và mới mẻ hơn sẽ lại được sinh ra từ bụng người mẹ. Chị nghe trong mình một tiếng cười khẽ của tương lai nên lo âu nhưng minh triết chị vững chãi bước đi. Từ đó hình tượng người phụ nữ mang thai hóa nên kỳ vĩ:
Chị mang cả quả địa cầu phía trước!
Câu kết bài thơ chói lòa một ánh hào quang. Một hình tượng thật rất cụ thể, thực tế. Nhìn cái bụng bầu ai cũng thấy một khối tròn căng như quả đất. Nhưng để nói ra được thế, lại nói bằng thơ, thì chỉ có Blaga Dimitrova. Bà đã tạo dựng được một hình tượng thơ cao cả và vĩ đại. Đó là người phụ nữ Việt Nam. Đó là người phụ nữ của nhân loại nói chung. Đó là người Nữ mang thiên chức sinh nở để thành người Mẹ của loài người! Câu thơ này tôi những muốn dịch thành: Bụng bầu là quả địa cầu!
Blaga Dimitrova đã sống một cuộc đời hết mình cho văn chương nghệ thuật và cho cuộc sống con người. Bà đã viết và xuất bản nhiều tập thơ, tiểu thuyết, tiểu luận, hồi ký và hai công trình nghiên cứu về văn hoá Bulgaria. Thông thạo 5 ngoại ngữ bà là một dịch giả đã đưa đến cho bạn đọc nước mình những tác phẩm lớn của các nền văn học nước ngoài. Tập thơ "Vây giữa tình yêu" của Blaga đã được in lại nhiều lần ở Bulgaria và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bản dịch tập thơ này ra tiếng Việt từ bản tiếng gốc của nhà thơ thêm một lần cho bạn đọc Việt Nam gặp lại Blaga Dimitrova trong tình cảm trân trọng và yêu thương. Hai dịch giả Ngô Thị Thục và Nguyễn Thị Thanh Hằng từng học tập, nghiên cứu tại Bulgaria, hiểu biết ngôn ngữ và văn hoá xứ sở hoa hồng, với lòng yêu quý Blaga Dimitrova đã cố gắng để có được bản dịch sát đúng tập thơ. Kèm theo bản dịch là nguyên bản các bài thơ. Trong sách còn có các hình ảnh và bức vẽ. Tập thơ "Vây giữa tình yêu" dịch từ tiếng Bulgaria ra tiếng Việt vì vậy là một ấn phẩm rất gợi nhắc quá khứ và rất có ý nghĩa trong một thế giới ở thế kỷ XXI vẫn còn những cuộc chiến tranh đẫm máu.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 21/4/2024