Quy chế tại một số trường đại học đang gây tranh cãi với nội dung liên quan đến vi phạm của sinh viên về việc bán dâm và chia sẻ nội dung đồi trụy.
Cụ thể, Quy chế người học của Trường Đại học Hoa Sen ban hành vào cuối năm 2023 có tất cả 28 nội dung vi phạm bị xem xét kỷ luật. Đáng chú ý, trong quy chế có đề cập nội dung về nội dung sinh viên hoạt động mại dâm. Cụ thể, hoạt động mại dâm lần 1 bị khiển trách, lần 2 bị cảnh cáo, lần 3 bị đình chỉ học có thời hạn và lần 4, sinh viên sẽ bị buộc thôi học, nếu nghiêm trọng sẽ giao cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Đối với hoạt động chứa chấp môi giới mại dâm, chỉ 1 lần vi phạm sinh viên sẽ bị buộc thôi học.
Trường Đại học Luật TP.HCM cũng đưa nội dung xử lý môi giới mại dâm vào quy chế quy định trong công tác sinh viên K46. Sinh viên bán dâm từ lần 1 đến lần 4 bị kỷ luật theo thứ tự khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập có thời hạn và buộc thôi học. Với hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm lần 1 giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với sinh viên bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của nhà trường, tổ chức khác, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet, tùy theo mức độ, xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Sinh viên có hành động quấy rối, dâm ô, xâm phạm nhân phẩm, đời tư của người khác cũng áp lực hình thức tùy mức độ, xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhận xét về những nội dung trên, Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thanh Sơn cho hay: "Theo tôi, quy định như vậy là thừa vì đã có quy định của nhà nước. Công dân Việt Nam là phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và các nghị định của chính phủ. Quy định bán dâm, văn hóa phẩm đồi trụy, cấm quay phim, chụp ảnh khi không cho phép... đều được quy định rõ ràng. Vì vậy, không cần thiết phải đưa ra quy định của trường. Quy định như vậy là đúng nhưng thừa và làm cho mọi người có cảm giác sinh viên bán dâm nhiều lần thì mới bị phạt".
Dù vậy, đại diện Trường Đại học Hoa Sen thông tin, Quy chế người học của trường được ban hành dựa trên Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ trưởng GDĐT ban hành năm 2016. "Nhà trường hoàn toàn không tự ý 'xé rào' để nới lỏng, dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức của sinh viên", đại diện nhà trường nói.
Theo TS Đặng Cường, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy lợi: "Trường học quy định sinh viên bán dâm đến lần thứ 4 mới bị buộc thôi học không phải là quy định mới, có trong Quy chế của một số trường và Thông tư của Bộ GDĐT. Thời gian qua, các cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều sinh viên bán dâm là minh chứng cho quy định này không phù hợp, không đủ sức răn đe. Hiện nay cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều người bán dâm là sinh viên. Đặc biệt, các đường dây hotgirl, chân dài dài bán dâm theo tour, hình thức kiểu "sugar baby" có khá nhiều sinh viên tham gia, gây bức xúc trong dư luận.
Bán dâm, môi giới mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật, bởi vậy, ngoài chế tài hành chính và hình sự có thể áp dụng đối với từng hành vi vi phạm, thì sinh viên vi phạm pháp luật về hoạt động mại dâm cũng bị xem xét xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhiều năm qua, quy định kỷ luật sinh viên bán dâm chia thành các mức độ khác nhau. Cụ thể, mục 16 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10 của Bộ GDĐT quy định, hành vi "Chứa chấp, môi giới mại dâm" của sinh viên "lần 1" sẽ bị buộc thôi học và "Giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật". Tuy nhiên, mục 17 quy định sinh viên có hành vi "Hoạt động mại dâm" thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo từng lần là: Lần 1 khiển trách; Lần 2 cảnh cáo; Lần 3 đình chỉ học có thời hạn; Lần 4 buộc thôi học.
Như vậy, sinh viên bán dâm mà không bị phát hiện hoặc chỉ bị phát hiện đến lần thứ 3 không bị buộc thôi học. Quy định chưa thể hiện tính răn đe và dẫn đến nhiều người có thể hiểu sai rằng cho phép sinh viên bán dâm đến lần thứ 3 mà không bị buộc thôi học".
Theo TS Cường, để duy trì kỷ luật học đường, giữ gìn uy tín cho hoạt động giáo dục, giáo dục đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho sinh viên, cần phải sửa đổi quy định này. Đồng thời, cần phải có nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có những quy định phù hợp, đảm bảo duy trì kỷ luật học đường, tránh sinh viên sa ngã vào các hoạt động mại dâm, giữ gìn uy tín của các cơ sở giáo dục, xây dựng thế hệ trẻ văn minh, lành mạnh, có đạo đức tốt và ý thức tuân thủ pháp luật.