Ngày 26/2, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự và phát biểu chỉ đạo.
Đây là lần đầu tiên phiên họp của Tổ công tác có sự tham dự của các thành viên Hội đồng tư vấn để trao đổi, chia sẻ thông tin, tăng cường phối hợp giữa Tổ công tác và Hội đồng.
Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định số 1682/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Chủ tịch.
Hội đồng có chức năng tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương.
Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực Hội đồng, có trách nhiệm điều phối, bảo đảm các điều kiện làm việc của Hội đồng và huy động các cơ quan, đơn vị khác có liên quan tham gia các hoạt động của Hội đồng; nghiên cứu các sáng kiến cải cách quy định hành chính do các thành viên Hội đồng đề xuất trước khi Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ là cơ quan giúp việc của Hội đồng, thực hiện nhiệm vụ thư ký Hội đồng.
Hội đồng có 4 ban công tác gồm: Ban Cải cách về cơ chế, chính sách, TTHC (Ban I) do Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam làm Trưởng ban; Ban Đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC (Ban II) do Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam làm Trưởng ban; Ban Thư ký (Ban III) do Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ làm Trưởng ban; và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) do Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin làm Trưởng ban.
Tại phiên họp, qua báo cáo cho thấy, thời gian qua Tổ công tác đã tiếp nhận và chỉ đạo các bộ, cơ quan xử lý 130 phản ánh, kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC. Các bộ, cơ quan đã xử lý, phản hồi 116 phản ánh, kiến nghị trong năm 2023, đạt tỉ lệ 89,3%.
Đến nay, việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC đã đạt được những kết quả nổi bật như hơn 2.700 quy định kinh doanh và 561/1.086 TTHC theo 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ được cắt giảm, đơn giản hóa, 156/699 TTHC được phân cấp giải quyết.
Việc đổi mới thực hiện, giải quyết TTHC được chú trọng, đến nay có hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4%, tăng 1,4 lần so với năm 2022; địa phương đạt 37,4%, tăng 3,7 lần so với năm 2022.
Tỉ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC tại bộ, ngành là 28,59%, tăng 11% so với năm 2022, còn địa phương là 39,48%, tăng 31,44% so với năm 2022.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Tổ công tác và Hội đồng tư vấn về những kết quả đã đạt được trong cải cách TTHC trên các lĩnh vực trong năm 2023, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh còn nhiều việc phải làm, còn vướng nhiều thứ, còn những việc rất khó nên phải tiếp tục nỗ lực, thay đổi cách nghĩ, cách làm, bởi nếu không tiếp tục cải cách, việc sẽ không thông, không chạy, chúng ta sẽ thua, sẽ thất bại.
Theo Phó Thủ tướng, còn những quy định không phù hợp với trình độ phát triển hiện tại của đất nước và xu thế phát triển chung trong khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia vào luật chơi chung của thế giới.
Bên cạnh đó, còn có sự "chông chênh" giữa các quy định trong luật, thông tư, nghị định; giữa các cơ quan Trung ương với nhau; giữa cơ quan Trung ương với địa phương; thậm chí giữa các địa phương.
Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm có nguyên nhân từ TTHC nội bộ của các cơ quan Trung ương và địa phương. Một số việc xử lý chưa hiệu quả do mới chỉ dừng lại ở mức độ "ghi nhận" phản ánh, kiến nghị khi đi họp.
Đối với TTHC trong những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo…, phải cố gắng coi đây là cơ hội thay vì than khó, bởi nếu than khó, chắc chắn sẽ thất bại chứ chưa nói đến phát triển.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên của Tổ công tác tiếp tục duy trì cơ chế tiếp nhận bằng nhiều hình thức, bao gồm cả hình thức đối thoại trực tiếp và xử lý thông tin, phản ánh một cách hết sức có trách nhiệm, trước hết là thông tin, phản ánh, đề xuất từ Hội đồng tư vấn cải cách TTHC...