Từ ngày 5/3 - 29/4, TAND TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ đại án Vạn Thịnh Phát. 86 bị cáo trong vụ án này bị xét xử nhiều tội danh khác nhau.
Bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị xét xử về các tội "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Ở tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", Viện Kiểm sát truy tố bà Lan theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 mà không áp dụng theo Bộ luật hình sự 2015.
Khi truy tố bà Lan theo Bộ luật hình sự năm 1999, VKS tối cao lập luận, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực.
Tại quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 năm 2017 của Quốc hội về thi hành Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 sẽ xử lý theo điều, khoản tương ứng Bộ luật hình sự năm 1999.
Những hành vi sai phạm nếu xảy ra sau ngày 1/1/2018 bị xử lý theo các điều, khoản của Bộ luật hình sự năm 2015, có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị can.
Từ kết quả điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng đã rà soát, phân loại xử lý các bị can theo các tội danh cụ thể tương ứng với vị trí, vai trò, số lượng, tính chất, mức độ hành vi và lỗi của từng bị can.
Theo các cơ quan tố tụng, bà Trương Mỹ Lan có hành vi sai phạm diễn ra trong thời gian dài, trước khi Bộ luật hình sự hiện hành có hiệu lực, cơ quan tố tụng áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội, nên áp dụng luật cũ đối với tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", theo Bộ luật hình sự năm 1999, thay vì áp dụng Bộ luật hình sự 2015.
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, có rất nhiều nguyên tắc trong việc xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hình sự. Trong đó nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo là nguyên tắc cơ bản được áp dụng phổ biến trong pháp luật của các nước trên thế giới.
Thuật ngữ nguyên tắc có lợi đã tồn tại từ lâu trong đời sống pháp luật, đặc biệt sau mỗi lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, các Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành các bộ luật này đều hướng dẫn các trường hợp được sửa đổi, bổ sung theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo.
Theo ông Cường, trong vụ đại án Vạn Thịnh Phát, hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra trong một thời gian rất dài, trải qua thời điểm có hiệu lực pháp luật của nhiều Bộ luật hình sự như Bộ luật hình sự 1999, Bộ luật hình sự 2015.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo theo hướng nếu có thể áp dụng cả hai bộ luật thì sẽ áp dụng bộ luật nào có hình phạt thấp hơn. Đó là nguyên tắc thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.
Nếu áp dụng một bộ luật, hành vi xảy ra trong thời điểm có hiệu lực pháp luật của một văn bản pháp luật mà hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội danh, sẽ xử lý hình sự ở tội danh có mức hình phạt nặng hơn.
Trường hợp hành vi phạm tội xảy ra kéo dài ở nhiều thời điểm văn bản pháp luật có hiệu lực, mức chế tài khác nhau sẽ áp dụng văn bản pháp luật có mức hình phạt ít nghiêm khắc hơn.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, trong vụ án này bà Trường Mỹ Lan bị xét xử 3 tội danh, trong đó có tội tham ô tài sản, tội này có hình phạt cao nhất là tử hình. Vì thế, dù áp dụng luật mới hay luật cũ, hình phạt cao nhất cũng đều là tử hình.
Hơn nữa, trường hợp bị cáo bị xét xử với nhiều tội danh mà có một tội bị áp dụng hình phạt tử hình, hình phạt chung vẫn là tử hình.
Từ bình luận trên, vị chuyên gia nêu quan điểm, nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo là nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật hình sự, thể hiện xuyên suốt từ nghị quyết đến văn bản luật và các văn bản dưới luật của cơ quan có thẩm quyền.
Bởi vậy, không riêng gì vụ án này áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo mà tất cả các vụ án hình sự, trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự đều phải vận dụng để thể hiện tính nhất quán, thể hiện sự nhân văn, khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.