Với con số 498 tỷ đồng, doanh thu phim Mai hoàn toàn có thể vượt qua con số 500 tỷ đồng trong nay mai và còn nhiều khả năng tăng hơn nữa trong vài tuần tới.
Ngày 29/2, tập hậu trường (behind the scenes) mang tên Câu chuyện đạo diễn của Trấn Thành đã được đạo diễn phim Mai đăng trên kênh YouTube của mình.
Video là những thước phim ghi lại hành trình làm đạo diễn của Trấn Thành trong dự án phim Mai, cũng là dịp để anh chiêm nghiệm và chia sẻ tâm tư của mình sau 3 bộ phim có doanh thu trăm tỷ đồng.
Trong đó, với những nhận xét của khán giả về các tác phẩm của mình, Trấn Thành thừa nhận: “Khi người ta góp ý mình mà đúng, tôi luôn nghe và lấy đó làm động lực để sửa chữa và phát triển hơn”.
Khi thực hiện phim Mai, Trấn Thành tham gia vào từng khâu nhỏ để đảm bảo từng cảnh quay được thực hiện hoàn hảo nhất. Anh không chỉ làm việc cùng đạo diễn hình ảnh Diệp Thế Vinh, mà còn cầm máy quay để miêu tả góc máy mình mong muốn, hay trực tiếp thị phạm cho diễn viên.
Nữ diễn viên Hồng Đào đã cho biết: “Trấn Thành rất thông minh. Trấn Thành vừa làm đạo diễn, vừa hướng dẫn mình. Khi Trấn Thành đưa ra bất kì lập luận, suy nghĩ nào, Thành sẽ bảo vệ nó, nhưng Thành cũng rất biết lắng nghe”.
Khi làm việc, đạo diễn Trấn Thành chủ trương cho diễn viên sáng tạo trước và tôn trọng ý kiến đóng góp của diễn viên “vì tôi tin rằng mỗi người trong cuộc sống đều có cá tính riêng”.
Tuy nhiên, Trấn Thành cũng tự nhận rằng, chuyện chỉnh thoại, đường dây, tình huống có thể sẽ theo anh đến suốt đời, bởi: “Tôi không bao giờ bằng lòng với những gì đang có. Những gì ghi lại trong kịch bản khi ra tới hiện trường, tất cả những gì tác động vào thị giác của mình đều khiến mình có cảm xúc mới và lúc đó mình nghĩ ra một phương án tốt hơn cả phương án mình nghĩ trước khi ra bối cảnh”.
Theo đạo diễn phim Mai, anh rất tập trung vào diễn xuất và quan trọng những chi tiết nhỏ: “Tôi là người theo chủ nghĩa cảm xúc nên rất tập trung vào biểu cảm của diễn viên, không thể lướt qua những điều đó được”.
Trấn Thành cũng bày tỏ mình là người khá nóng tính trên trường quay nhưng sau đó anh tự nhận ra điều đó không tốt. Trấn Thành đã tìm cách thay đổi chính mình khi làm phim Mai: “Tôi không la mắng mọi người, nhưng khi tôi nói, tôi dùng âm lượng lớn hơn với một thái độ giận hơn. Tôi không làm tổn thương người ta nhưng vô tình cái giận, cái âm lượng lớn của tôi cũng gây áp lực cho diễn viên tại trường quay. Chính bản thân tôi phải thay đổi thôi”.
Nhìn lại hành trình đạo diễn của mình, Trấn Thành bộc bạch: “Tôi không phải một người được đào tạo qua trường lớp, tôi chỉ cảm nhận cuộc sống qua cảm nhận của riêng mình. Đó là những vốn sống mà tôi tích luỹ trong những năm qua.
Tôi cũng không có quy tắc, mà sẽ đi và quan sát. Tôi sẽ nhìn bằng nhiều lăng kính trong cảm nhận của riêng mình. Tôi đang hạnh phúc vì mình được trải nghiệm, mình được phiêu lưu, mình được làm việc theo cái mình muốn. Tôi yêu nghề, muốn chinh phục những đỉnh cao mới trong cái nghề của mình”.
Cuối cùng, đạo diễn phim Mai khẳng định: “Tôi là người sống theo chủ nghĩa yêu thương, luôn muốn làm gì đó mang tính đóng góp, tích cực, thuộc về con người và cảm xúc. Tôi rất vui với dự án này, những gì tôi muốn làm, hầu như tôi đều hiện thực hoá được nó”.
Dưới đoạn phim Câu chuyện đạo diễn của Trấn Thành nhiều khán giả đã để lại những dòng bình luận, chủ yếu ủng hộ và động viên nỗ lực của Trấn Thành: "Làm nghệ thuật làm thế nào để chạm được đến trái tim của khán giả. Làm thế nào để khán giả xem xong vẫn thổn thức với bộ phim, còn lưu luyến vấn vương vì bộ phim đó. Đấy mới là một sự thành công. Những yếu tố nhỏ nhặt về kịch bản, về thoại hay gì đó... bỏ hết đi. Tôi là 1 khán giản khi xem bộ phim tôi thấy sự chạm đến trái tim, tôi thấy rơi nước mắt thì đó đã là 1 bộ phim có ý nghĩa rồi. Cảm ơn anh Xìn (Trấn Thành - PV), vì đã đặt mình vào vị trí của khán giả để biết họ muốn gì, và trau chuốt sản phẩm của mình nhiều hơn mỗi lần phát hành cho công chúng"; "Anh Thành ơi! Những lời này có khi anh cũng không xem được. Nhưng em vẫn chân thành muốn bày tỏ. Anh vốn là một người có khả năng hài rất xuất sắc. Anh có thể đừng làm mấy bộ phim như thế này nữa được không? Từng lời thoại như xé toạc trái tim... Em xem mà khóc rất nhiều! Mai là một người phụ nữ có một vài khía cạnh và hoàn cảnh giống em. Điều đó khiến em cảm thấy như một phần đời mình được tái hiện. Nó làm em day dứt, khắc khoải và cảm thấy bị bóp nghẹn..."; "Mình nghĩ cái hay của Trấn Thành ở đây là có thể lôi được cả những khán giả không thích mình ra rạp để xem cho bằng được. Và phim chiếu rạp mỗi Tết có một số bạn trẻ sẽ không ưu ái phim Việt vì làm phim chưa “tới”. Mình chưa bao giờ thấy người nào khó tính, cầu toàn mà không giỏi, nếu chưa giỏi hay chưa thành công là do cách người khác nhìn nhận hoặc do họ chưa gặp cái để họ thể hiện bản thân thôi"...
Một số khán giả cũng chỉ ra những điểm Trấn Thành cần cố gắng về chuyên môn, kỹ thuật làm phim sau thành công của phim Mai: "Có điều kiện ra ngoài học thêm bổ sung kiến thức, học cái mới vì kỹ thuật làm phim luôn được cập nhật... để bộ phim sau 1.000 tỷ đồng nhé Trấn Thành!"; "Cũng bình thường thôi, có xem nhiều phim và nhiều đạo diễn nổi tiếng trên thế giới và khu vực mới cảm nhận được: ai, phim gì nội dung gì, kỹ thuật, sự PR của giới truyền thông, báo chí giờ không tin nổi, dở cũng thành hay. Hiệu ứng đám đông của khán giả là vậy... các "thánh" khen quá Trấn Thành hóa kiêu ngạo và bảo thủ!"; "Tôi chờ đợi 1 sự đột phá của đạo diễn Trấn Thành cũng như kịch bản chắp bút bởi Bình Bồng Bột và Trấn Thành trong phim Mai nhưng xem xong có hơi tiếc nuối. Chưa bàn tới nội dung, câu chuyện, kịch bản.
Trấn Thành đã đưa cá tính, cách diễn, sự biểu đạt tâm lý và biểu đạt cảm xúc của chính Trấn Thành vào từng nhân vật khiến cho nhân vật nào cũng có một lối diễn và cách phản ứng giống nhau. Không nêu bật được cá tính, phong cách của từng nhân vật. Cảm giác ai cũng hoạt ngôn quá, mau miệng quá, lanh quá. Lúc nào cũng có thể đốp chát và phản ứng ngay lập tức với người đối diện được. Nhiều thoại cũng là đặc trưng của phim do Trấn Thành đạo diễn.
Phim tâm lý nhưng thoại nhiều để biểu đạt vấn đề và diễn giải câu chuyện, vì vậy chưa ra được chất tâm lý thực sự. Đôi khi chỉ cần 1 ánh mắt, 1 khoảng lặng, diễn mà không cần thoại để cảm nhận mọi việc tự nhiên hơn, sâu sắc hơn"...