Mùa tuyển sinh đại học năm 2024 đã nóng dần lên khi hàng loạt các trường đại học công bố đề án tuyển sinh. Bên cạnh sự đa dạng của phương thức xét tuyển, chỉ tiêu, điểm chuẩn, học phí thì ngành học cũng là chủ đề gây chú ý. Sẽ không có gì đáng nói nếu như loạt các trường không mở loạt ngành học mới nhưng cái tên lại "không liên quan" đến khối ngành đang đào tạo.
Mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội đã gây bất ngờ khi mở thêm một ngành học mới là Quản lý giáo dục với chỉ tiêu dự kiến là 60 sinh viên. Đại học Bách khoa Hà Nội xưa nay nổi tiếng cả nước trong đào tạo các ngành kỹ thuật như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Điện tử Viễn thông... nên việc mở ngành Quản lý giáo dục nhận được nhiều quan tâm, ý kiến trái chiều.
"Không biết Đại học Bách khoa Hà Nội đã khảo sát nhu cầu này chưa? Nếu mở ngành Quản lý giáo dục thì sinh viên tốt nghiệp làm ở đâu với vị trí quản lý này? Muốn làm quản lý thì phải có trải nghiệm mới biết rõ các khái niệm, công đoạn, quy trình, quy phạm, văn hoá trường học… rồi thăng tiến dần. Học quản lý mà không trải nghiệm thực tế thì dễ thất nghiệp. Hơn nữa xét theo chức danh vị trí việc làm cử nhân Quản lý giáo dục ra trường không biết xếp vào đâu", một chuyên gia ý kiến.
Hai trường tốp đầu khối kinh tế là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Ngoại thương năm 2024 cũng dự kiến mở ngành mới về lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Cụ thể, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở 4 ngành mới: Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. Còn Trường Đại học Ngoại thương dự kiến mở ngành Khoa học máy tính thuộc chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.
Học viện Phụ nữ Việt Nam thông tin sẽ mở ngành Kinh tế số, tuyển 60 sinh viên cho khóa tuyển sinh đầu tiên. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội – một trường có truyền thống đào tạo ngành khoa học xã hội cơ bản thì năm 2024 dự kiến mở thêm mã ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM mới đây cũng công bố mở hai ngành lĩnh vực khác so với nhận diện của ngôi trường chuyên về lĩnh vực kinh tế. Trường mở 2 chương trình đào tạo lĩnh vực công nghệ gồm ArtTech (công nghệ nghệ thuật) thuộc ngành công nghệ thông tin và chương trình điều khiển thông minh và tự động hóa thuộc ngành trí tuệ nhân tạo.
Ngay sau khi vừa thông báo dự kiến mở ngành học mới của các trường đại học đã gây quan tâm của dư luận và nhận không ít sự hoang mang, lo lắng, nhất là với phụ huynh, học sinh đang chuẩn bị đứng trước quyết định quan trọng của cuộc đời. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các trường đã nghiên cứu kỹ về nguồn lực đào tạo cũng như xu hướng ngành nghề trước khi quyết định mở thêm ngành học mới.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, ngành Quản lý giáo dục mà Đại học Bách khoa dự kiến tuyển sinh thuộc khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục. Hiện khoa đào tạo ngành Công nghệ giáo dục nhằm cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng áp dụng các xu hướng công nghệ mới nhất vào giáo dục. Việc ra đời ngành Quản lý giáo dục sẽ hoàn thiện đối tượng còn thiếu là đội ngũ đảm nhận việc tổ chức đào tạo và quản lý.
“Nhà trường đã có sự nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất và chương trình đào tạo cho ngành học mới này. Về đội ngũ giảng viên, khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục có truyền thống lâu đời, với nhiều chuyên gia về lĩnh vực quản lý giáo dục, công nghệ giáo dục,... Hơn nữa, Đại học Bách khoa Hà Nội có THCS & THPT Tạ Quang Bửu - một địa chỉ thực hành, thực tập cho các em sinh viên”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền thông tin thêm.
Về việc trường kinh tế mở ngành công nghệ, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chia sẻ, để chuẩn bị cho việc mở ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ trường đã có sự chuẩn bị từ sớm và có chiến lược cho việc đa dạng hóa, mở rộng ngành đào tạo.
Nhà trường đã tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất cùng các yêu cầu khác. Ngoài ra nhà trường cũng trang bị, đầu tư mở phòng lab, phát triển các phòng học thông minh phục vụ cho việc đào tạo các ngành công nghệ kỹ thuật theo lộ trình.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, trường mở mới hai ngành học đặc biệt nhằm tiếp tục phát triển đào tạo nhân lực theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, định hướng công nghệ ứng dụng. Với cách tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, kiến thức của một ngành học tại trường được thiết kế giao thoa trong mối tương tác lĩnh vực đó với nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, thiết kế ứng dụng. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều ngành/nhóm ngành khác nhau và có năng lực thích ứng nhanh chóng nghề nghiệp ở đa dạng lĩnh vực thay vì giới hạn trong một ngành nghề nhất định.
Về ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng chuẩn bị tuyển sinh, ông Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay, trường mở ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và đón đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Trường không hướng tới đào tạo diễn xuất mà chú ý về kịch bản, phê bình điện ảnh một cách bài bản. Thông tin cụ thể về ngành học sẽ sớm được chia sẻ để phụ huynh, học sinh được biết.
Theo số liệu thống kê của Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng thí sinh nhập học nhiều nhất trong 3 đến 5 năm gần đây là các ngành như kinh doanh, quản lý, quản trị. Tiếp theo đó là công nghệ thông tin. Cuối cùng là các ngành báo chí, luật.
PGS. TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng thí sinh không nên lo lắng trước những ngành mới vì khi đưa ra các ngành học mới, các trường đều có khảo sát nhu cầu, đánh giá, cân nhắc và qua các hội đồng thẩm định, phê duyệt.
"Các xu hướng cũ qua đi sẽ có các xu hướng mới thay vào và tạo ra nhiều việc làm mới. Nếu tiếp cận sớm thì chúng ta cũng có nhiều cơ hội là chuyên gia sớm về lĩnh vực đó. Nếu chúng ta chỉ đi theo những xu hướng cũ đã nhiều người theo thì khó có thể vượt qua những người đã có kinh nghiệm... Do đó, theo tôi, những ngành mới sẽ là cơ hội mới cho các em", PGS Nguyên nói.