Lãnh đạo một số trường cao đẳng, đại học đã chia sẻ như vậy trong Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 của mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diễn ra ngày 29/2 tại trường Đại học Bạc Liêu.
Chuyển ý tưởng khởi nghiệp để lập nghiệp không dễ
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh, Chủ tịch mạng lưới hỗ trợ HSSV khởi nghiệp khu vực ĐBSCL, cho biết năm qua mạng lưới đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp với sự tham gia của hàng chục dự án, trong đó khoảng 1/3 ý tưởng sáng tạo của học sinh.
"Điều đó cho thấy đối tượng này rất dồi dào, là lứa mầm non trong mạng lưới, sau này vào cao đẳng, đại học sẽ có những ý tưởng dự án khởi nghiệp rất tích cực", PGS.TS Hòa chia sẻ và cho biết rất mừng khi một số trường đã đưa hoạt động khởi nghiệp vào kế hoạch chiến lược của trường, có cả cơ chế chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.
Chủ tịch mạng lưới hỗ trợ HSSV khởi nghiệp khu vực ĐBSCL cho rằng, mặc dù chưa dự án nào kêu gọi được nguồn vốn nhưng việc này cũng bình thường. Bởi, có nhiều nguyên nhân như về tính khả thi, con người, hay phụ thuộc vào cách nhìn của nhà đầu tư, doanh nghiệp,…
"Để chuyển ý tưởng khởi nghiệp thành kinh doanh thành công cũng rất khó khăn, kiểu như đãi vàng không phải lúc nào cũng tìm được vàng, thậm chí còn bỏ sót", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa chia sẻ.
Theo ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, hầu như HSSV khởi nghiệp chỉ có "mình không". Các em có lòng nhiệt huyết nhưng nguồn lực không có nên rất khó khăn.
"Do đó, hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp không chỉ trong nhà trường mà cần gắn kết với nhiều đơn vị như doanh nghiệp, vườn ươm, ngân hàng, quỹ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước,... để hỗ trợ các em phát triển ý tưởng", ông Quốc chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kiên Giang, Phó Chủ tịch Mạng lưới hỗ trợ HSSV khởi nghiệp khu vực ĐBSCL, kể trong kỷ niệm 10 năm khởi nghiệp quốc gia phía Nam vừa qua, trường Đại học Nông lâm TPHCM có giới thiệu một sinh viên sau khi ra trường rất thành công.
"Bạn ấy không khởi nghiệp trong nước mà ở Campuchia, với việc bắt đầu bán giày dép "made in Viet Nam" online. Sau đó, bạn ấy mở xưởng sản xuất tại nước bạn, với doanh thu mỗi năm 48 tỷ đồng", Tiến sĩ Thọ thông tin và kỳ vọng mạng lưới ở khu vực ĐBSCL nếu mỗi trường tham dự có SV khởi nghiệp thành công đó là điều tuyệt vời.
Có sinh viên tham gia cuộc thi khởi nghiệp theo phong trào
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thi, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, nhiều SV sau khi đạt giải các cuộc thi khởi nghiệp về khép lại dự án. Đó là một trong những lý do rất ít SV khởi nghiệp lập nghiệp thành công.
Còn Thạc sĩ Đỗ Thị Viễn Hương, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, cho rằng nhiều SV có ý tưởng khởi nghiệp tốt nhưng thiếu người dẫn dắt nên chưa phát triển ý tưởng đó thành sản phẩm trong thực tế.
Tiến sĩ Triệu Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp Cà Mau, cho rằng nhiều người nói khởi nghiệp trong HSSV chỉ là phong trào.
Theo ông Tuấn, qua kinh nghiệm các cuộc thi ở Cà Mau cho thấy có trường hợp... phong trào thật. Bởi, sau khi các SV đạt giải dự án khởi nghiệp, tỉnh Cà Mau có chính sách khuyến khích các bạn về lập nghiệp, nhưng khi tỉnh liên hệ thì có bạn nói "mình chỉ tham gia cho vui".
Tuy nhiên, có những dự án của SV rất có tiềm năng, khả năng phát triển thành doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường. Những dự án này nếu không được triển khai thực hiện thì rất tiếc.
"Mong muốn hoạt động của mạng lưới nên có mục tiêu, hỗ trợ, khuyến khích những ý tưởng của HSSV phát triển tốt, để bỏ quan điểm chỉ làm phong trào. Mục tiêu khởi nghiệp cuối cùng là tạo ra doanh nghiệp có sản phẩm mới, chất lượng, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương", TS Tuấn nêu quan điểm.
Thạc sĩ Trần Văn Lực, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Phó Chủ tịch Mạng lưới hỗ trợ HSSV khởi nghiệp khu vực ĐBSCL, cho biết vừa qua Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp có thông tin rất mừng là SV các tỉnh phía Nam sau khi ra trường tiếp cận với doanh nghiệp rất tốt. Điều đó cũng tạo niềm tin cho HSSV khởi nghiệp.
Phó Chủ tịch Mạng lưới hỗ trợ HSSV khởi nghiệp khu vực ĐBSCL cho rằng, một thực trạng là SV cao đẳng ra trường có nhiều "ức chế" hơn so với SV đại học trong cách tiếp cận, thử việc, tiếp xúc doanh nghiệp,…
Do đó, trong điều kiện trường hợp nào thành công, chúng ta có thể gợi mở tạo điểm nhấn để HSSV thoát khỏi "ức chế" đó, mang lại năng lượng tích cực, tạo điều kiện lập nghiệp.
"Một em khởi nghiệp lập nghiệp thành công có khi thu nhập bằng 100 em đi làm công nhân", Thạc sĩ Lực chia sẻ và viện dẫn trường hợp doanh thu 48 tỷ đồng mà Tiến sĩ Thọ kể ở trên.
TS Tiền Hải Lý, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bạc Liêu, nêu quan điểm nhà trường xem hoạt động khởi nghiệp của SV là trách nhiệm của đơn vị đào tạo.
Ông Lý nói, trường huy động tổng lực chứ không riêng đơn vị nào để làm sao tạo sức mạnh hỗ trợ cho SV. Nếu chúng ta có hướng đi đúng, tập hợp được sức mạnh thì khởi nghiệp của SV sẽ khởi sắc.