Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Biểu tượng trống đồng

Phạm Xuân Nguyên 02/03/2024 14:30 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn cuốn tiểu thuyết lịch sử "Trống đồng" của Phong Nguyên, một nhà văn người Việt sống tại Mỹ viết bằng tiếng Anh, được dịch giả Đăng Thư dịch ra tiếng Việt. Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử kể chuyện Hai Bà Trưng.
Đọc sách cùng bạn: Biểu tượng trống đồng- Ảnh 1.

Cuốn tiểu thuyết lịch sử "Trống đồng" của Phong Nguyên, một nhà văn người Việt sống tại Mỹ viết bằng tiếng Anh, được dịch giả Đăng Thư dịch ra tiếng Việt. (Ảnh: ST)

Tiểu thuyết lịch sử là truyện hư cấu về lịch sử dựa vào những sự thực lịch sử được ghi chép lại. Từ những ghi chép sử đó nhà văn tưởng tượng ra nhân vật văn chương của mình. Những nhân vật đó có tên gọi và có sự tích của nhân vật lịch sử, nhưng con người và đời sống của họ là của nhà văn tạo ra. Nhân vật lịch sử trong văn không trùng khít với nhân vật lịch sử trong sử, vì sử không có gì ngoài niên đại và sự kiện, còn văn có tất cả trừ niên đại và sự kiện.

TRỐNG ĐỒNG

Tác giả: Phong Nguyên

Omega+ & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2024

Số trang: 335 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 2000

Giá bán: 235.000 đồng

Tác giả Phong Nguyên chọn nhân vật sử của mình là Hai Bà Trưng sống vào những năm 40 đầu công lịch. Sử ghi hai chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị đã lãnh đạo đội quân phụ nữ thời Lạc Việt khởi nghĩa chống lại sự chiếm đóng của nhà Hán. Hai Bà đã lập ra một triều đình riêng và xưng Vương của nước Việt. Nhưng sau đó tướng nhà Hán là Mã Viện đã đàn áp cuộc nổi dậy và Hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử để giữ tròn khí phách.

Sử này đã được nhà nho Lê Ngô Cát thời nhà Nguyễn diễn nôm trong tác phẩm "Đại Nam quốc sử diễn ca" thành những câu ca lục bát truyền tụng trong dân gian:

Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành

Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Ba thu gánh vác sơn hà

Một là báo phục hai là Bá Vương

Uy danh động tới Bắc Phương

Hán sai Mã Viện lên đường tấn công

Hồ Tây đua sức vẫy vùng

Nữ nhi địch với anh hùng được sao!

Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo

Hai Bà thất thế cùng liều với sông!

Trước là nghĩa, sau là trung

Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.

Thời hiện đại, Hai Bà Trưng cũng là nguồn cảm hứng lớn cho văn chương nghệ thuật, nhất là sân khấu. Hình tượng Trưng Trắc nữ vương với nỗi đau thân phận đàn bà hiện ra bi tráng trong thơ của nữ sĩ Ngân Giang đã lay động lòng người.

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.

Và giờ đây là tiểu thuyết "Trống đồng" của Nguyên Phong. Tác giả cũng dựa vào sử mà dựng truyện, dựng nhân vật. Ông cũng dẫn lại mấy câu đầu trong đoạn diễn ca nói trên khi viết đến đoạn hai chị em Trưng Vương làm cuộc khởi nghĩa.

Người đọc được gặp qua câu chữ của nhà văn hai cô con gái nhà Trưng lạc tướng Mê Linh khi cùng nhau mỗi sáng luyện tập giao đấu trong khung cảnh cung điện thanh bình, khi chịu đựng cuộc thảm sát của quân Hán với gia đình mình, khi xông pha giữa chiến trường trên mình voi đánh trận và khi phải tuẫn tiết. Trọng tâm tác giả đặt vào vai trò anh hùng của Hai Bà nhiều hơn là đời sống của những người phụ nữ bình thường, nên mối tình Trưng Trắc - Thi Sách không được đi sâu. Cái chết của Hai Bà dưới ngòi bút nhà văn không phải là nhảy xuống nước mà lao từ núi cao xuống vực thẳm. Tại sao vậy? Tại vì tác giả cho Mã Viện muốn hạ thủ Hai Bà để bêu đầu nên Hai Bà đã chọn cách chết tan xương nát thịt không cho tên tướng giặc lấy được đầu mình. Đầu người Việt không thể nằm trong tay kẻ thù Hán - dụng ý nghệ thuật của nhà văn có thể đọc ra từ đó.

Sử không ghi trong đời thực tính cách Trưng Trắc, Trưng Nhị và Thi Sách thế nào. Nên đó là chỗ dành để nhà văn hư cấu. Trong tiểu thuyết của mình, Phong Nguyên hình dung Trưng Trắc điềm tĩnh, khôn ngoan, Trưng Nhị phóng túng, mạnh mẽ, còn Thi Sách là gia sư của hai chị em thì thâm thuý, sâu sắc. Bên cạnh hai người con gái thì người mẹ Man Thiện lạc nương quả cảm cũng là cách nhà văn đề cao sức mạnh phụ nữ trong lịch sử.

Đó là phần hư tác giả thêm vào bên phần thực của nhân vật lịch sử. Nhưng trong tiểu thuyết lịch sử luôn có những nhân vật là hư một trăm phần trăm, do tác giả tạo ra để phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của mình. Ở tiểu thuyết này của Phong Nguyên đó là Kha - người vệ binh của nhà Lạc tướng Chu Diên, và Phùng Thị Chính - một phụ nữ làm nghề bếp núc. Tạo ra hai nhân vật này tác giả nhằm thể hiện sức sống của xứ sở Lạc Việt. Giữa trận tiền ác liệt với quân Hán, Thị Chính đã trở dạ sinh đứa con cuối cùng của mình - một đứa con gái sau năm đứa con trai đã bị quân Hán giết chết - và đặt tên con là Triệu Ẩu.

Khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết, Mã Viện bắt thu hết trống đồng của dân Việt đem nấu chảy hết để đúc thành hai cột trụ lớn đánh dấu chủ quyền của nhà Hán đối với Lạc Việt. Ngỡ như vì thế đất Việt sẽ hết cả trống đồng, người Việt sẽ mất chí quật cường cứu nước. Nhưng không. Cuốn tiểu thuyết của Phong Nguyên kết thúc ở cảnh Kha cho Triệu Ẩu biết điều bí mật lâu nay của mình: "Bên dưới lớp đất mà Kha dùng tay gạt ra, là một chiếc trống đồng. Anh ta gõ nhẹ một tiếng vào cái trống, nhẹ đến mức chỉ có hai ông cháu nghe được âm vang của nó, rồi đặt trống về chỗ cũ của nó dưới hai gốc lan trong vườn, cất giấu an toàn ở một phương trời Việt quốc, nơi chiếc trống đồng này sẽ còn mãi, dưới sự phù hộ của Thần Hộ Mệnh, suốt hai nghìn năm".

Cái kết này hô ứng với đoạn mở đầu tiểu thuyết làm lời phán truyền của Kha vệ binh nói với lũ trẻ Chu Diên nghe kể chuyện Hai Bà Trưng: "Lũ trẻ kia, ta nói với các con điều này: hai trụ đồng trên bãi biển Tượng Lâm một ngày nào đó sẽ chìm đắm, sẽ bị thuỷ triều nuốt chửng và theo thời gian sẽ bị đại dương cuốn đi dễ dàng như cuốn một thây ma." Âm điệu của đoạn mờ đầu đã xác định giọng điệu sử thi của cuốn tiểu thuyết.

Biểu tượng trống đồng còn thấy rõ trong các cảnh chiến trận khi Trưng Trắc - Trưng Nhị chỉ huy quân đội của mình bằng những hiệu lệnh trống. Và ngay cả khi Mã Viện bắt những người phụ nữ nước Nam vác các cột đồng đến chỗ làm đại trụ và dựng nó lên bằng ròng rọc thì "trớ trêu thay, cái biểu tượng quyền uy này lại không hề có một bàn tay người Hán nào chạm vào". Trống đồng là của người Việt, là cái kết tụ sức sống của nước Việt, bàn tay kẻ xâm lược người Hán không bao giờ đụng được vào. Đó lại là một thông điệp tác giả gửi gắm.

Phong Nguyên là người Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ trong thập niên 1980. Trong một lần trả lời phỏng vấn ông cho biết mình đã được nghe truyện Hai Bà Trưng từ nhỏ qua lời kể của cha. Câu truyện đã gây cho ông sự tò mò muốn biết về lịch sử xa xưa của đất nước nguồn cội, nhất là vai trò của nữ giới. Và khi viết văn anh đã quyết định hư cấu lại lịch sử Hai Bà Trưng. "Một trong những điều tôi cực yêu thích về tác phẩm hư cấu chính là tính trung thực – nó không tuyên bố chân lý và chỉ đơn giản yêu cầu bạn sống trong thế giới câu truyện một lúc mà thôi." - anh nói. Câu chuyện về lịch sử chứ không phải lịch sử mới chính là điều quan tâm hàng đầu của nhà viết tiểu thuyết lịch sử.

Phong Nguyên đã đặt cho cuốn tiểu thuyết của mình về Hai Bà Trưng cái tên "Trống đồng" có lẽ là vì vậy. Hai Bà Trưng là khởi nguồn của sức sống quật khởi của người đất Việt đối chọi với kẻ thù phương Bắc sẽ trở thành truyền thống dân tộc trong trường kỳ lịch sử. Trống đồng là biểu tượng của sức sống đó, truyền thống đó.

Thế kỷ XIII sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu đến kinh thành Thăng Long của các vua Trần nước Đại Việt nghe tiếng trống đồng mà còn kinh sợ đến bạc tóc, thấy mình còn về được đến nhà khoẻ mạnh là may (Ðồng cổ thanh trung bạch phát sinh/ Dĩ hạnh, quy lai thân kiện tại...") Còn như cột đồng Mã Viện chôn trên đất Việt với lời nguyền hăm doạ "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" thì người Việt mang tinh thần Hai Bà Trưng đã ném đất chôn vùi nó từ lâu.

Lịch sử còn dành nhiều đề tài như trống đồng cho văn chương viết thành tiểu thuyết lịch sử.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!