Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, cảnh quan hồ Thiền Quang là khu vực mang đậm các công trình lịch sử, văn hóa, kiến trúc; Công viên Thống Nhất là nơi Bác Hồ trồng cây, nơi có tượng đài Bác Hồ, bác Tôn và đặc biệt những công trình thuộc công viên mang dấu ấn lịch sử.
TS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, khu vực được dự kiến xây 5 quảng trường có đặc thù là gần một số cơ quan mang tính an ninh quốc phòng. Có thể nói đây là khu vực mang đậm dấu ấn, đa dạng lịch sử văn hóa của kiến trúc vì vậy việc phát huy nó thông qua không gian công cộng là rất cần thiết nhưng phải giới hạn quy mô lại.
"Quan điểm của tôi là đồng ý nhưng không nên cho quá nhiều quảng trường như vậy. Cần xem xét lại, vì khi đã là quảng trường là không gian công cộng có tổ chức giao thông gắn với tổ chức vui chơi giải trí cần hạn chế quảng trường, chỉ nên tạo ra những không gian công cộng".
Để tránh những xung đột về giao thông khi quảng trường vận hành, TS Đào Ngọc Nghiêm khuyến cáo cần chú trọng đến kết nối giao thông với khu vực xung quanh, các khu bãi xe, đảm bảo giao thông công cộng. Chứ như khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm hiện này là bài học đã thấy rõ thiếu những chỗ gửi xe.
Ngoài ra, TS Nghiêm cùng chung quan điểm với nhiều người dân là xây dựng nhiều quảng trường cần quan tâm hơn đến không gian xanh, khu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, ngắm cảnh, giao lưu cho người già, và trẻ nhỏ.
"Một địa bàn nhỏ mà có nhiều quảng trường như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng, vì quảng trường gắn liền với giao thông, nếu không có giao thông người ta chỉ gọi đó là vườn hoa nhỏ" – TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Trước đó, Đồ án Thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500 đang được UBND quận Hai Bà Trưng được tổ chức lấy ý kiến người dân.
Theo đó, khu đất nghiên cứu lập thiết kế đô thị rộng 11,7 ha, nằm trên hai phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành. Phía Bắc khu vực này giáp đường Nguyễn Du, phía Tây giáp phố Trần Bình Trọng, phía Đông giáp phố Quang Trung và phía Nam giáp phố Trần Nhân Tông.
Đơn vị tư vấn đề xuất thiết kế đô thị với 13 khu vực, trong đó có 5 quảng trường. Quảng trường trung tâm nằm ở phía đường Trần Nhân Tông, giáp công viên Thống Nhất, là khu văn hóa nghệ thuật đa năng, trung tâm buôn bán, giao thương hàng hóa và nơi dừng nghỉ cho du khách. Quảng trường này cũng kết nối với công viên Thống Nhất và các khu vực khác.
Bốn quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông được xây gần bốn góc hồ Thiền Quang. Trong đó, quảng trường mùa Xuân, mùa Hạ nằm ở hai góc hồ phía đường Trần Nhân Tông sẽ diễn ra sự kiện, hoạt động chính với không gian mở để ngắm toàn cảnh hồ.
Đơn vị tư vấn đề xuất thiết kế đô thị với 13 khu vực, trong đó có 5 quảng trường. Quảng trường trung tâm nằm ở phía đường Trần Nhân Tông, giáp công viên Thống Nhất, là khu văn hóa nghệ thuật đa năng, trung tâm buôn bán, giao thương hàng hóa và nơi dừng nghỉ cho du khách. Quảng trường này cũng kết nối với công viên Thống Nhất và các khu vực khác.
Bốn quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông được xây gần bốn góc hồ Thiền Quang. Trong đó, quảng trường mùa Xuân, mùa Hạ nằm ở hai góc hồ phía đường Trần Nhân Tông sẽ diễn ra sự kiện, hoạt động chính với không gian mở để ngắm toàn cảnh hồ.
Quảng trường mùa Thu giáp ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung với các hoạt động vui nhộn. Quảng trường mùa Đông (đoạn ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng) là không gian chuyển tiếp giữa công viên ven hồ và cụm ba chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa, các hoạt động như chơi cờ, thể dục, câu cá.
Đồ án cũng nêu định hướng thiết kế đài phun nước ở giữa hồ; khu biểu diễn nhạc nước gần bờ phía đường Trần Nhân Tông, để người dân và du khách có thể nghỉ ngơi thư giãn và xem nhạc nước, sát hồ sẽ được xây bậc thềm ngắm cảnh.
Việc lấy ý kiến nhân dân sẽ kéo dài trong 30 ngày kể từ ngày đăng tải hồ sơ đồ án lên trang thông tin điện tử của quận Hai Bà Trưng và treo bản vẽ tại trụ sở UBND phường Nguyễn Du và phường Lê Đại Hành.
Dự kiến trong năm 2024, quận Hai Bà Trưng sẽ thực hiện cải tạo hồ Thiền Quang.