Đào, phở và piano có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên gồm: Doãn Quốc Đam, Cao Thùy Linh, Trần Lực, Trung Hiếu, Tuấn Hưng, Nguyệt Hằng và Anh Tuấn. Bộ phim tái hiện lại khung cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội.
Sau khi ra rạp chính thức từ ngày 10/2/2024 (tức mùng 1 Tết Nguyên Đán), Đào, phở và piano đã tạo nên một "hiện tượng" phòng vé tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Hà Nội.
Nhờ vào hiệu ứng truyền miệng của khán giả, chủ yếu là giới trẻ, cùng quảng bá bởi báo chí, sức ảnh hưởng của bộ phim nhanh chóng lan rộng đến mức Cục điện ảnh phải gửi đơn xin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phim công chiếu trên toàn quốc.
Hiện tượng này là lần đầu tiên xảy ra đối với phim Nhà nước và phản ánh sự quan tâm của khán giả ở dòng phim sử Việt. Một số rạp tư nhân tâm huyết với điện ảnh dân tộc, muốn chiếu miễn phí và hoàn 100% doanh thu về Nhà nước. Nhưng theo đạo diễn Phi Tiến Sơn "đây không nên là việc kéo dài và một mặt nào đó, cũng là không sòng phẳng với các rạp phim tư nhân".
Cũng vì độ "nóng" của phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng nhận được nhiều lời mời viết kịch bản lịch sử của các hãng sản xuất phim tư nhân nhưng ông không nhận lời, bởi con đường này khó đi. "Tôi tin tưởng các đồng nghiệp của tôi vẫn sẽ tiếp tục con đường làm phim lịch sử dẫu nhiều chông gai", đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ.
Trước sự quan tâm của nhiều khán giả về những thông điệp của Đào, phở và piano, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt:
Đạo diễn chia sẻ lý do ông làm kịch bản và thực hiện bộ phim do ông được sinh ra trên mảnh đất Hà Nội. Mảnh đất này đã cưu mang, bao bọc và chứa đựng nhiều kỷ niệm về gia đình, người thân, bạn bè của ông. Và ông nghĩ vậy thì tại sao mình lại không làm một phim về Hà Nội.
"Từ ý tưởng đó, tôi tìm kiếm những điều hay, một đặc trưng của Hà Nội. Và cuối cùng ra được chất của Hà Nội – chất chơi, được thể hiện ở tính cách các nhân vật trong bộ phim này nhưng phải đặt đúng trong bối cảnh và thời điểm".
Đạo diễn cho biết, để diễn tả ý đồ của mình là chất Hà Nội của người Hà Nội, ông chọn các nhân vật trong phim rất điển hình: Một cô tiểu thư Hà Nội, một ông họa sĩ già, một ông bán phở, có một ông Tây học nhà giàu… Mỗi nhân vật có một xuất thân, tính cách khác nhau và có cách hành xử khác nhau. Và trong bối cảnh đặc biệt của bộ phim này, họ là những người ở lại thành phố, hết lòng, hết sức bảo vệ tình yêu với Hà Nội mặc dù biết rằng điều đó có thể phải trả giá bằng cái chết.
"Tất cả các nhân vật trong phim đều hư cấu. Sở dĩ có nhân vật họa sĩ là vì thời điểm đó, chúng ta có những gương mặt nổi tiếng như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... Các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ thì luôn có mặt ở Hà Nội từ xưa đến nay, các tiểu thư Hà Nội thì khá điển hình.
Hình ảnh ông giáo cũng thế. Cậu bé đánh giày thì thời đại nào cũng có, thành phố nào cũng có. Nói chung đó là những nhân vật điển hình. Tuy nhiên, vấn đề không phải là họ chính xác là ai mà là họ sống như thế nào trong hoàn cảnh đó" - đạo diễn cho biết.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn giải thích về cái tên ông chọn cho phim: "Đây là những khái niệm về Hà Nội ở các khía cạnh: thưởng thức, ăn. Thật ra, tất cả các nhân vật trong phim này đều như đang trong cuộc dạo chơi. Chất của người Hà Nội là không có gì quan trọng cả. Bố tôi cũng là một trong những người tham gia vào cuộc chiến đó. Ông kể lại ngày ấy đi đánh nhau mà tìm mãi vẫn không thể mua đâu được khẩu súng đành phải kiếm một con dao to nhất ở nhà mang đi.
Chúng ta cứ nghĩ lý tưởng là cái gì đó to lớn nhưng qua câu chuyện bố tôi kể lại, tôi lại thấy lý tưởng cao đẹp của con người chính là lòng yêu nước và cũng chỉ có dân Hà Nội mới dám làm điều đó. Họ chỉ muốn bảo vệ mảnh đất nơi họ đã và đang sinh sống, nơi có gia đình, người thân của họ".
Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết, nhiều bộ phim lịch sử Việt Nam bị đánh giá giống phim Trung Quốc bởi chúng ta chưa xây dựng được phong cách riêng, nổi bật lên văn hóa Việt thông qua các bộ phim điện ảnh. Đây không chỉ là câu chuyện của nhà làm phim phải suy nghĩ mà tất cả người dân, cộng đồng cần chung tay.