Sáng ngày 5/3, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức "Hội nghị công bố Quy hoạch, Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình". Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh Thái Bình) cho lãnh đạo tỉnh Thái Bình.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 16/6/2020.
Quy hoạch tỉnh Thái Bình được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, bài bản; được xây dựng trên cơ sở hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy, giúp đánh giá khách quan, chính xác về hiện trạng cũng như tiềm năng và khả năng phát triển của tỉnh, đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Quy hoạch tỉnh Thái Bình đưa ra 6 quan điểm phát triển. Thứ nhất, phù hợp với chiến lược, tầm nhìn phát triển của đất nước; các chủ trương, nghị quyết của Đảng; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thứ hai, phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, đồng bộ trên cả ba phương diện kinh tế - văn hóa - xã hội. Lấy phát triển kinh tế công nghiệp và kinh tế đô thị làm động lực để thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, nông nghiệp và các lĩnh vực văn hóa xã hội. Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển công nghệ số và thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, phát triển xã hội hiện đại, văn minh, thân thiện, hài hòa, lấy con người làm trung tâm; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và phát triển con người, đầu tư cho phát triển văn hóa phải đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống và văn hóa.
Thứ tư, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên và mang bản sắc riêng. Khai thác tối ưu kết cấu hạ tầng hiện có; phát triển, mở rộng mạng lưới hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ. Ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá; các tuyến kết nối đến vùng kinh tế phía Tây Bắc, phía Đông Bắc, phía Đông Nam, Khu kinh tế Thái Bình, các khu công nghiệp, khu du lịch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh mới, rút ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh trong khu vực.
Thứ năm, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và giữ vững cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thân thiện với môi trường.
Thứ sáu, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế.
Về mục tiêu phát triển, đến năm 2030, Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội phát triển đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 13,4%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 62,1%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9,1%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 28,8%.
GRDP bình quân đầu người tương đương với bình quân chung của cả nước. Kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh. Số giường bệnh/vạn dân đạt trên 40 giường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 100% (cả thành thị và nông thôn). Tỷ lệ độ che phủ rừng từ 2,5% trở lên. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 35% trở lên...
Đáng chú ý, Quy hoạch tỉnh Thái Bình xác định 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá, 4 không gian kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực.
4 trụ cột tăng trưởng kinh tế gồm: Phát huy thế mạnh của tỉnh có truyền thống về nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững; Xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm công nghiệp theo hướng hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp, năng lượng hàng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng; Xây dựng các khu đô thị xanh - sạch - đẹp, trong lành, đáng sống cho người dân; Phát triển toàn diện Khu kinh tế Thái Bình thành hạt nhân, động lực phát triển kinh tế chính của tỉnh; chuẩn bị các điều kiện để mở rộng không gian phát triển hướng biển.
3 đột phá phát triển được thể hiện gồm:
- Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của Vùng Duyên hải Bắc Bộ. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
- Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá trên một số lĩnh vực: cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển... Mở rộng không gian lấn biển theo quy định để tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển xanh, sạch, đẹp.
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hình thành 3 tuyến cao tốc là Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); Đường Vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và Tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế với TP.Thái Bình và vùng kinh tế phía Tây Bắc thủ đô; Các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh: QL10, QL37, QL37B, QL39, QL39B...; Đầu tư bến cảng (kho nổi) hàng lỏng/ khí tại khu bến Trà Lý để tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 tấn phía ngoài khơi cửa Trà Lý phục vụ Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình.
Sau năm 2030, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung 01 sân bay chuyên dụng ven biển vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia phục vụ du lịch, cứu hộ, cứu nạn, an ninh quốc phòng biên giới biển.