Ông Hoàng Văn Thắng là một nông dân trồng cà phê có tiếng tại huyện Chư Prông, tỉnh Đắk Lắk. Vườn cà phê của ông Thắng xanh mướt, chiều cao các cây đều nhau. Đặc biệt cây có tán rộng, cành dài và theo các chuyên gia là được tạo dáng hợp lý.
Canh tác cà phê thông minh (Bài 1): Vườn cà phê hơn 30 năm tuổi vẫn cho năng suất tốt. Video: Quang Sung
Ông Thắng có khoảng 2ha cà phê trồng thuần, mỗi cây thu hoạch được khoảng 5-7kg nhân/vụ. Điều đặc biệt những gốc cà phê tại đây có tuổi đời hơn 30 năm.
“Những gốc cà phê của vườn này được trồng từ khoảng năm 1994 - 1995. Năm 2015 tôi mua lại vườn và hai năm sau tôi tiến hành ghép cành cho toàn bộ vườn và thu hoạch cho đến nay”, ông Thắng nói.
Mặc dù có tuổi cao, nhưng vườn cà phê của ông Thắng vẫn cho năng suất tốt. Mỗi năm 2ha của ông thu được khoảng 9 tấn cà phê nhân.
Hiện tại, ông Thắng đang dành 1ha để tham gia mô hình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Tây Nguyên do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền kết hợp triển khai.
Trong đó, 1/3 diện tích được canh tác theo kiểu truyền thống như chủ vườn vẫn làm lâu nay. 2/3 diện tích còn lại sẽ canh tác theo quy trình do các nhà khoa học đưa ra để so sánh, đối chứng giữa hai hình thức canh tác.
TS Tôn Nữ Tuấn Nam - nguyên Trưởng phòng Khoa học Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, các nhà khoa học sẽ cùng với chủ vườn tiếp tục chăm sóc, bón phân và chứng minh cách bón phân theo quy trình canh tác của mô hình sẽ đem lại hiệu quả sản xuất, đảm bảo độ phì của đất.
“Trong 2/3 diện tích, chúng tôi chia ra một nửa bón theo công thức cũ, một nửa bón theo quy trình và phối trộn thêm với các loại vi sinh vật phân giải lân, cố định đạm và các loại vi sinh vật đối kháng để chống lại bệnh”, TS Nam nói.
TS Phạm Anh Cường – Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, những bộ phân bón có đặc tính mới dự báo sẽ có hiệu quả hơn so với quy trình canh tác thông thường của bà con nông dân.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn dựa trên một nguyên tắc từ trước đến giờ đã được áp dụng, như vào mùa khô, phân bón phải phù hợp để cây phục hồi nhanh và nuôi trái, chống rụng trái non, trái lớn nhanh. Vào mùa mưa phải có phân bón phù hợp để nuôi trái lớn nhanh hơn và vào cuối giai đoạn nuôi trái thì phải có một loại phân có đầy đủ dinh dưỡng và những yếu tố cần thiết để trái cà phê đạt chất lượng cao, năng suất ổn định”, TS Cường phân tích.
Để xây dựng được quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Tây Nguyên, các nhà khoa học đã thu nhập nhiều thông tin về điều kiện tự nhiên của vườn, tập quán canh tác của người dân…
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bộ – nguyên Giám đốc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, việc phân tích nhiều mẫu, nhiều phiếu sẽ xác định được các hạn chế của vườn cây, của vùng đất đó là gì. Từ đó xây dựng một công thức, quy trình bón thật sự hiệu quả, điều chỉnh quy trình cho phù hợp với từng mô hình.
“Yêu cầu của canh tác cà phê thông minh là phải đáp ứng toàn bộ yêu cầu của cây cà phê về dinh dưỡng, đánh giá được hiện trạng, độ phì nhiêu của đất, tình trạng vườn canh tác, hệ thống canh tác trồng thuần hay trồng xen", TS Bộ cho biết.
Quy trình canh tác cà phê không phải là bất biến mà thay đổi theo điều kiện tự nhiên, tình trạng vườn cây, biến đổi thị trường và năng lực đầu tư của nhà vườn. Trong đó có sự gắn kết chặt chẽ của phân bón, giống, hệ thống canh tác, tưới nước… không chỉ hướng đến cà phê trồng thuần, mà còn nghiên cứu các vườn trồng cà phê xen.
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ