Bạn đọc Nguyễn Thế Phong, quận Tây Hồ, Hà Nội hỏi: Trong nhiều cuộc nhậu tôi vẫn bất gặp hình ảnh một số người ép người khác sử dụng bia rượu mặc dù người được mời họ không muốn uống. Vậy với hành vi này có bị xử phạt không, theo quy định nào?.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, văn hóa sử dụng rượu bia tại Việt Nam đã hình thành từ lâu. Sau giờ làm việc, hoặc trong các sự kiện mọi người đều sử dụng rượu bia để chúc mừng nhau.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông ra quân xử lý nghiêm đối với các hành vi sử dụng rượu bia sau đó lái xe. Văn hóa uống rượu bia cũng thay đổi rất nhiều, mọi người ít uống hơn hoặc uống rượu bia sẽ đi grab để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Đối với hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia, luật sư Bình cho hay, đây được xem là hành vi bị nghiêm cấm căn cứ theo khoản 1, Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Ngoài ra, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP) có các điểm mới, về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với rượu, bia.
Cụ thể, tại Điều 30 của Nghị định này quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
Phạt tiền từ 500.000 đồng-1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Uống rượu bia tại địa điểm không được uống rượu, bia (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc...); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia.
Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu, bia. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần cá nhân vi phạm.
Điều 103, Điều 106, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi khoản 27 và khoản 30 điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt hành vi cố ép người khác uống rượu bia bao gồm: Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia.
Như vậy, theo luật sư Bình, hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp ép người khác uống rượu bia có thể bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.
"Việc chứng minh hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia chưa có quy định cụ thể. Do đó, để xác định có hay không hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia thì cần có người làm chứng hoặc trích xuất camera, những hình ảnh, video trong bàn nhậu để xử lý", luật sư Bình nói.