Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn của thơ Việt Nam hiện đại thế kỷ XX. Ông xuất hiện trong phong trào Thơ Mới như "một niềm kinh dị" (cách nói của Hoài Thanh) với tập thơ đầu tay "Điêu tàn" (1937) mượn tâm trạng khóc thương xứ Chiêm Thành xưa để ngụ tấm lòng yêu nước mình. Thơ ông mạnh và hay ở chất trí tuệ, suy tưởng. Nhiều bài thơ của ông đập mạnh vào trí não của người đọc ở sự thông minh, biện luận, ở cấu trúc bề sâu, bề chìm, ở cách lập tứ, dàn ý. Đấy chính là công lao của Chế Lan Viên - đẩy thơ Việt khỏi vũng lầy cảm xúc quá đầm đìa, mê đắm.
DI CẢO THƠ
Tác giả: Chế Lan Viên
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2023
Số trang: 455 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 180.000 đồng
Chế Lan Viên là người lao động thơ nghiêm khắc suốt một đời. Ông không ngừng suy nghĩ về đời về thơ, không ngừng trăn trở vật lộn với từ ngữ nghệ thuật thơ, không ngừng đấu tranh với mình giữa hai bờ thực và hư, sống và chết, tồn tại và siêu hình. Điều này bạn đọc đã được biết đến phần nào qua một số đoạn thơ ở hai bài thơ dài ông viết như kiểu sổ tay thơ mang tên "Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…" và "Đời bình phương, thơ lập phương" mà trong những tập thơ xuất bản ở nửa sau cuộc đời mình ông đã đưa vào. Nhưng phải đến di cảo thơ thì Chế Lan Viên mới hiện ra tất cả ở cái phần khuất phần chìm lâu nay ông giấu đi.
Nhà thơ mất năm 1989. Ba năm sau (1992) "Di cảo thơ" Chế Lan Viên ra mắt tập I. Tiếp đến là tập II (1994) và tập III (1996). Và bây giờ là "Di cảo thơ" tập hợp vào một sách cả ba cuốn đã từng in. Thế vẫn chưa hết. Sau đây "Di cảo thơ" tập IV gồm khoảng 200 bài nữa sẽ lại được in. Đúng là Chế Lan Viên đã để lại cả một "kho di cảo" như cách gọi của nhà văn Vũ Thị Thường, vợ nhà thơ, người góp nhặt và tuyển chọn. Bà viết: "Gọi là kho, tôi không nói quá một chút nào, vì ngoài 897 bài có ghi số thứ tự, còn cả trăm bài thơ không đánh số trong các sổ tay cũ, trong các tờ rời…"
Tôi đã đọc cả ba tập di cảo thơ Chế Lan Viên từ ba chục năm trước. Nay đọc lại vẫn thấy thích thú và thấm thía nhiều điều ông viết ông suy tư ông lật trở. Hơn thế, khi cả ba tập dồn lại vào một cuốn, người đọc được đọc liên suốt các bài thì sự cảm nhận lại có phần sâu sắc, kỹ lưỡng hơn. Cùng một sự việc, sự vật, hiện tượng Chế Lan Viên trở đi trở lại nhiều lần, đào xới ở nhiều chiều kích, đẩy suy ngẫm ra nhiều chiều hướng. Lấy thí dụ như về cái chết, sự chết mà khi biết mình mắc trọng bệnh ông đã phải nghĩ đến rất nhiều, đã tự mình đối diện với nó để ngẫm về cái còn lại và cái mất đi của một đời người đời thơ. Có khi ông còn nghĩ về nó từ sớm. Vừa chạm mốc "ngũ thập tri thiên mệnh" ông đã lo lắng: "Đời vào tuổi năm mươi/ Mong gì hương sắc lạ". Trong di cảo ở đề tài này Chế hay dùng hình ảnh bến Lú sông Mê.
Anh chả đem được đêm trăng nào vào huyệt trong tổng số đêm trăng anh ngắm
Tổng số mặt trời, anh đành bỏ lại, không mang đi.
Dù có liệm cho anh một nhúm gạo hạnh phúc, một nhúm muối thi ca thì anh làm sao ăn được?
Đến bến Lú sông Mê, các thứ ngon ngọt đem theo thành đắng ngắt.
Anh không mang đi. Anh chỉ còn để lại.
Để lại một câu thơ, một lời tạ tội.
Để lại những lời "Nhớ lấy!" hoặc "Quên đi!"
Đậm đặc trong di cảo là những nghĩ suy của Chế về thơ. Thơ có ích gì cho con người trong cuộc sống, thơ có ý nghĩa, giá trị gì trên cõi trần gian, làm thơ phải thế nào, vai trò nhà thơ ra sao trong cuộc nhân sinh, tìm thơ ở đâu… Hay cũng có thể nói "Di cảo thơ" của Chế Lan Viên là toàn bộ những nghĩ suy để lại của ông về THƠ hiểu theo nghĩa rộng nhất và sâu nhất của từ này. Có thể thấy điều đó qua mảng thơ ông viết về Nguyễn Du và "Truyện Kiều". Chế là người viết nhiều và viết hay về đề tài này. Tập hợp các bài thơ của ông về mảng này ở di cảo và các tập thơ trước có thể ra được một cuốn sách thơ - ngẫm có giá trị. Đời thi hào họ Nguyễn và đời Kiều là một nguồn sâu thẳm cho Chế đến nghĩ suy cật vấn những mong tìm kiếm câu trả lời cho nhiều câu hỏi về đời về thơ.
Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn
Chẳng qua để người yêu thơ khỏi tủi trong lòng
Ông đã hoá mây trắng ngang trời hoài niệm
Hoá ra Kiều cao gấp mấy đời ông.
Chế đã tự ví mình là "Tháp Bayon".
Anh là tháp Bayon bốn mặt
Giấu đi ba còn lại đấy là anh
Chỉ mặt ấy mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.
Người vậy thì thơ sao? Chế đã di chúc lại cho hậu thế một phép trừ.
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi làm đâu? Một nửa
Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ. Tôi giết
cái cánh sắp bay trước khi ngồi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết mặt trời lên trên biển. Giết mưa
Và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi đâu có thịt của mình
Và thơ đó rơi đến tay anh,
anh bảo đấy là tôi
Không phải!
nhưng đấy cũng chính là tôi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Đôi khi không có lỗi như mình.
Bài thơ này ở trong phần di cảo có thể sẽ ra tiếp nay mai. Hôm nay đọc những bài thơ để lại đã được in ra và đã được trao thưởng (Hội Nhà Văn Việt Nam) của Chế Lan Viên, người đọc hiểu ông hơn và thương ông hơn. Có thể có người cho rằng đây là sự chuẩn bị hậu sự quá giỏi của ông với cuộc đời, với hậu thế. Nhưng dẫu thế nào, khi đã có di cảo thơ này thì sẽ thật là một sự hổng nếu như không có nó – một bản kết toán cuộc đời và cuộc thơ của một nhà thơ lớn phản chiếu trong đó cả một lịch sử xã hội và văn chương. Đúng như nhà văn Vũ Thị Thường đã viết khi đứng trước kho di cảo của chồng mình – nhà thơ Chế Lan Viên: "Thoạt đầu tôi chỉ định tìm đọc và nhặt ra một số bài – cả hay cả dở - trong các cuốn sổ tay rồi đánh máy, tập hợp thành một tập di cảo riêng cho gia đình. Nhưng khi chạm đúng vào cái kho di cảo thì tôi thấy dứt khoát mình phải chọn, phải đưa di cảo của anh đến với bạn đọc; nếu không đưa, tôi sẽ là kẻ có lỗi với nền thơ nước nhà." (tr. 5).
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 6/3/2024