Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, doanh thu kinh doanh bất động sản hai tháng đầu năm 2024 ước tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng tăng 0,6% so với tháng 1/2024, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại và số doanh nghiệp đăng ký mới đều tăng so với cùng kỳ; chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng cả nước, tạo điều kiện thúc đẩy sức mua tiêu dùng nội địa…
Cùng với đó, tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 103.000 tỷ đồng, đạt 21,3% dự toán năm và tăng 13,6% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, thu hút FDI mặc dù tăng về số lượng nhưng lại giảm về quy mô vốn (giảm 47% so với cùng kỳ).
Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 98/2023, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, việc triển khai Nghị quyết 98 đòi hỏi yêu cầu công việc rất lớn. Do đó, ngoài công việc thường xuyên, các sở, ngành cần tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết nhằm tạo sức bật cho TP.
Tuy nhiên, bà Mai nêu một thực tế là đội ngũ nhân sự hiện nay chưa đáp ứng được nhiệm vụ của Nghị quyết 98. Trong bộ máy nhân sự của sở, ngành chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện Nghị quyết 98 khiến việc theo dõi, tổng hợp, đáp ứng tiến độ có khó khăn.
Từ đó, bà kiến nghị phương án thuê cán bộ hợp đồng để kịp báo cáo, đáp ứng tiến độ thực hiện Nghị quyết 98.
Về Nghị định phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, Bộ Tư pháp đang thẩm định, chuẩn bị trình Thủ tướng ban hành. Bà kiến nghị các sở, ngành chuẩn bị nhân sự và các bước thực hiện tiếp theo để ngay khi nghị định được ban hành có thể triển khai hiệu quả.
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân thông tin, thị trường bất động sản đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng.
Theo thống kê, hiện thành phố có 88 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 33 dự án là dự án thương mại, số còn lại rơi vào nhóm đất công, nhóm cổ phần hóa cần tiếp tục tháo gỡ. Sở Xây dựng đang phối hợp với các ngành liên quan tổng hợp, đề xuất thành phố và Chính phủ cập nhật nội dung nhà ở xã hội trong quy hoạch chung của thành phố.
Qua rà soát sơ bộ, thành phố có nhu cầu trên 340.000 căn nhà ở xã hội. Hiện, thành phố có gần 600.000 căn nhà trọ với sức chứa gần 2 triệu người, trong đó 50% là công nhân thuê ở. Trong số gần 600.000 căn nhà trọ thì có tới hơn 10% chưa đảm bảo PCCC, cứu nạn.
TP.HCM cũng đã ban hành chính sách hướng dẫn cấp phép cho người có nhu cầu xây dựng nhà trọ. Thành phố đã đề xuất chính sách hỗ trợ cho vay để các đối tượng này cải tạo, sửa chữa nhà trọ.
Dự kiến đến ngày 30/4/2025, thành phố sẽ có nguồn nhà ở xã hội với trên 35.000 căn. Để đạt được chỉ tiêu trên, Sở Xây dựng chỉ đạo các dự án ở các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục để khởi công ngay trong quý 2.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận định, xuất khẩu đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động logistics khó khăn, một số doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường khác. Hoạt động sản xuất doanh nghiệp ở một số ngành có dấu hiệu phục hồi song chi phí lại tăng.
Trong khi đó, ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận. Theo thống kê, hiện có 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp để vay vốn. Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp, ngân hàng.
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cần tập trung hoàn thiện thể chế để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 98, nhất là đối với các dự án trọng điểm, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), dự án đường sắt đô thị...