Cùng dự có đồng chí Yia Cơ Ya No Cho Chông Tua - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng nước, ông Xô- pha Sít- thị- sôm, Phó Cục trưởng cục Khuyến nông và Hợp tác xã, Bộ Nông- Lâm nghiệp Lào.
Tại trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thồng Mằng, đoàn đã nghe bà Khăm- mon Luông- lat, Chủ tịch HTX báo cáo tóm tắt lịch sử hình thành, tình hình hoạt động của HTX. Từ một nhóm 12 hộ gia đình nông dân với hơn 1,5ha đất góp trồng rau hữu cơ năm 2016, đã tạo ra một sự thu nhập ổn định cho các gia đình, từ đó có thêm một số hộ dân tham gia và tiếng vang của nhóm trồng rau ngày càng lan rộng.
Năm 2020, đồng chí Thongloun Sisoulith - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm nhóm sản xuất rau hữu cơ và nhận thấy đây là mô hình rất tốt, mở ra hướng đi mới cho sự phát triển nông nghiệp của Lào, nhưng vẫn còn một số khó khăn, như thiếu vốn, phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất cao, năng lực quản lý của nhóm còn yếu…
Đồng chí Thongloun Sisoulith đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ quản lý nhóm, có chính sách giảm lãi suất và khi đảm bảo các yếu tố thì tổ chức lập thành hợp tác xã (HTX). Ngày 29/9/2020, HTX Nông nghiệp hữu cơ Thồng Mằng chính thức được thành lập. Đến nay HTX có 70 xã viên, hơn 75% là nữ. Các thành viên của HTX đang canh tác 79ha đất, trong đó có 33ha trồng rau, 29ha chăn nuôi, 8ha với 48 hồ nuôi thủy sản. Tuy nhiên, diện tích ao hồ chỉ có thể nuôi thủy sản vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, còn mùa khô không đủ nước, không lưu trữ được cá giống nên hiệu quả chưa được như mong muốn.
Chủ tịch HTX cũng cho biết, ngoài những khó khăn để phát triển HTX như thiếu nước tưới, thiếu vốn để ứng dụng khoa học kỹ thuật và mua sắm máy móc (hiện HTX vẫn chủ yếu sản xuất thủ công), thiếu thị trường. Sự ký kết hợp đồng tiêu thụ rau với một số công ty không được bảo đảm trách nhiệm, gây thiệt hại về kinh tế cho HTX và niềm tin của xã viên… Bên cạnh đó, HTX cũng có những thuận lợi, đó là, nông dân có nghề trồng rau truyền thống từ lâu đời, có diện tích đất trồng rau lớn, các xã viên có tâm huyết nên dễ tổ chức.
Trả lời câu hỏi của đoàn công tác, Chủ tịch HTX Nông nghiệp hữu cơ Thồng Mằng cho biết, HTX có 4 điểm nghẽn cần tháo gỡ đó là: vốn, khoa học công nghệ, năng lực quản trị HTX và thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Nếu HTX có mã số kinh doanh thì được vay vốn ngân hàng với lãi suất 12%/năm, nhưng chỉ giới hạn 200 triệu Kip Lào (tương đương 10 triệu kip/hộ), còn nếu hộ nông dân vay cá thể thì lãi suất lên 36%/năm, nhưng chỉ trong thời hạn 2 năm do vậy HTX rất khó khăn về vốn. Hiện vốn của HTX là vốn tự chủ của các thành viên HTX đóng góp, quay vòng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lương Quốc Đoàn đã đánh giá bà Khăm- mon Luông- lát là một chủ tịch HTX giỏi, đã nêu lên được những kiến nghị, nhận thức được các khó khăn, thách thức mà HTX gặp phải, đưa ra được tầm nhìn và những nút thắt cần phải giải quyết…
Đồng chí Lương Quốc Đoàn cho biết: Nông nghiệp Lào vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, vì vậy có một HTX như thế này sẽ là cú hích để nông nghiệp lào phát triển. Vì vậy, đồng chí đề nghị các ngày hữu quan của Lào cần có chính sách để hỗ trợ, khuyến khích và tháo gỡ khó khăn cho HTX. Đồng chí cũng nhấn mạnh, việc sử dụng sản phầm nông nghiệp hữu cơ và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình hợp tác là xu thế của thế giới.
Đồng chí cũng chia sẻ những khó khăn mà HTX nông nghiệp của Việt Nam gặp phải, những kinh nghiệm để xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp ở Việt Nam, nhất là việc Nhà nước Việt Nam ban hành các chính sách để khuyến khích HTX nông nghiệp phát triển. Đó là xây dựng Luật Hợp tác xã, ban hành chính sách ưu đãi về vốn cho HTX và nông dân vay vốn, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chỉ đạo các ngành hữu quan hỗ trợ đào tạo kỹ năng quản trị HTX…
Bổ sung ý kiến của bà Chủ tịch HTX nông nghiệp hữu cơ Thồng Mằng, và ý kiến của đồng chí Lương Quốc Đoàn, đồng chí Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông và HTX, Bộ Nông - Lâm nghiệp Lào cho biết: Đại Hội IX của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có đề ra mục tiêu phát triển 18 HTX, đến nay mới thành lập được 8 HTX, do việc thành lập trên cơ sở tự nguyện, người dân chưa nhận thức được vai trò của HTX nên chưa mặn mà tham gia.
Lào chưa có Luật HTX mà mới có Nghị định điều chỉnh việc thành lập và phát triển HTX. Dự kiến 2024 Quốc hội Lào sẽ thông qua Luật HTX Lào. Lào cũng có chính sách miễn thuế đầu vào vật tư nông nghiệp, nhưng chưa có vốn phát triển HTX mà việc cấp ngân sách cho phát triển HTX do Bộ Công thương phụ trách, đó là Quỹ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng các tổ chức cá nhân rất khó tiếp cận, và nhều thủ tục, khiến khi tiếp cận được lãi suất đội lên rất cao.
Đối với HTX Thồng Mằng, Cục Khuyến nông và HTX và cơ quan chức năng của huyện, của Bộ đã cử rất nhiều cán bộ đến tập huấn. Về hỗ trợ máy móc, thiết bị thì Cục chưa có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu HTX. Cục cũng hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp, các siêu thị để tiêu thụ rau cho HTX.
Đồng chí Yia Cơ Ya No Cho Chông Tua - Phó Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước cũng bày tỏ mong muốn các xã viên cần cố gắng nỗ lực đoàn kết để vượt qua khó khăn, đưa HTX Thồng Mằng ngày càng phát triển, thành HTX kiểu mẫu của Lào.