Công nghệ thông tin là ngành sử dụng hệ thống máy tính gồm phần cứng, phần mềm và thiết bị ngoại vi để lưu trữ, truy xuất, truyền tải và thao tác với dữ liệu hoặc thông tin. Trong chương trình của các trường đại học, ngành học Công nghệ thông tin có thể chia thành 6 lĩnh vực chính: công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin, an toàn thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính và khoa học dữ liệu.
Công nghệ thông tin hiện là một trong những ngành được chú trọng trong hệ thống đào tạo ở nhiều trường đại học. Nhiều thủ khoa của các kỳ thi cũng lựa chọn Công nghệ thông tin là điểm dừng chân của mình trong trường đại học.
Nói về độ "hot" của ngành này, mới đây trong chương trình tư vấn tuyển sinh, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: "Nhu cầu nhân sự ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam không hề giảm và còn có xu hướng tăng, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Các nhân sự có năng lực đang dần khẳng định được vị trí của mình và đặt ra những tiêu chuẩn chung cho toàn ngành.
Có thể thấy, lĩnh vực Công nghệ thông tin là hạ tầng của mọi hạ tầng, theo đó các khối ngành nghề kinh tế - xã hội khác đều phát triển dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Khối ngành này cũng đang rất khát nhân lực, mỗi năm thiếu hàng chục ngàn nhân lực chất lượng cao. Với sức đào tạo của các trường như hiện nay chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động".
"Hiện nay, xu hướng kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán kinh tế truyền thống. Do vậy lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn rất quan trọng trong xu hướng đào tạo hiện nay có tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và đa lĩnh vực ở các trường đại học", GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, chia sẻ.
Nhận xét về ngành Công nghệ thông tin và dự đoán điểm chuẩn năm nay, ThS Phùng Quán, chuyên gia tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho hay gần đây những thông tin về ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng, nhiều trường đại học mở ngành học này nên không ít người lo ngại ngành công nghệ thông tin đã "hết thời". Tuy nhiên, thống kê cho thấy chuyên ngành phát triển mạnh nhất và có nhu cầu nguồn lực lớn nhất của ngành công nghệ Việt Nam vẫn là ngành phần mềm để nhắm vào các thị trường nước ngoài.
"Theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong ít nhất là 10 năm nữa. Thực tế cũng cho thấy công nghiệp phần mềm là ngành tăng trưởng nhanh nhất trong 20 năm qua. Nó vẫn là ngành công nghiệp trẻ nhất so với các ngành công nghiệp khác.
Tại trường chúng tôi, nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin nhiều năm qua vẫn có điểm trúng tuyển cao nhất và dự kiến năm nay cũng như vậy. Nhóm ngành này điểm chuẩn luôn khá nên thí sinh có thể cân nhắc chọn những ngành gần liên quan đến công nghệ thông tin: khoa học dữ liệu, điện tử - viễn thông, toán ứng dụng và toán tin, công nghệ vật lý điện tử và tin học…
Để theo học nhóm ngành công nghệ thông tin, các bạn phải có khả năng tư duy tốt, giỏi ngoại ngữ. Thực tế nhiều bạn trúng tuyển, đặc biệt học sinh các tỉnh điểm rất cao, nhưng khi vào học khả năng ngoại ngữ không tốt, trong khi phải học tài liệu bằng tiếng Anh dẫn đến việc bị đuối sức vào năm thứ 2, 3. Do vậy, các bạn muốn theo học công nghệ thông tin phải chú ý đến việc này", ThS Phùng Quán nói.
Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin các trường đại học top đầu rất cao. Năm 2023, điểm chuẩn ngành này tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội ghi nhận lên tới 29,15 điểm, Trường Đại học Thủy lợi lấy 25,25 điểm; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có điểm chuẩn ngành Khoa học dữ liệu lấy cao nhất với 26,35 điểm… Thậm chí, ngay sau khi công bố điểm chuẩn đại học năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã gây sốc với mức điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính (IT1) là 29,42 điểm. Số điểm này khiến cho 2 thủ khoa có tổng điểm 3 môn khối A00 cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT với 29,39 điểm đã trượt nguyện vọng 1.
Công nghệ thông tin là một ngành nghề thu hút sự chú ý của đông đảo thí sinh bởi cơ hội việc làm rộng mở và mức lương ổn định sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, với mức lương 100 triệu đồng/tháng của các kỹ sư IT cũng không phải quá bất ngờ.
PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Mức lương tùy thuộc vào từng vị trí. Thông thường, các đơn vị thường đưa ra mức lương sinh viên ra trường đạt được cao nhất. Có những em chỉ đạt 10 - 15 triệu đồng/tháng nhưng có em đạt được 40 - 50 triệu đồng/tháng. Tùy vào đơn vị và trình độ của các em. Làm việc tại các công ty nước ngoài các em có thể thỏa thuận về lương nếu có nền tảng tốt kiến thức và ngoại ngữ. Với xuất phát điểm ban đầu tốt ở nhà trường rồi, các em trang bị thêm kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ nữa thì về cơ bản lương của các em khá ổn và phát triển".
Theo chia sẻ từ Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM, mức lương cao hay thấp của ngành Công nghệ thông tin phụ thuộc vào các yếu tố khác như kinh nghiệm, nơi làm việc… Mức lương có sự khác nhau đối với từng ngành nghề cụ thể như sau:
Ví dụ như Phát triển website – Web developer có mức lương khá đa dạng, dao động từ 6 – 24 triệu đồng/tháng. Lập trình viên làm việc trong lĩnh vực điện toán đám mây đang có mức trung bình khoảng 40-50 triệu đồng/tháng. Các vị trí chuyên viên cao cấp hoặc cao hơn như giám đốc, mức lương có thể lên đến 60 triệu đồng/tháng. Chuyên gia an ninh mạng, bảo mật thông tin có thu nhập khởi điểm dao động từ gần 20 triệu đồng/tháng. Do tính phức tạp và yêu cầu cao trong công việc, mức lương của các nhà khoa học dữ liệu rất hấp dẫn, khoảng 141.000 USD mỗi năm, tương đương khoảng 3,2 tỷ đồng.