Dân Việt

Khoe con đạt chứng chỉ IELTS sao cho khỏi "giật gân"?

Ngọc Bích - Thái An 10/03/2024 06:40 GMT+7
Đạt điểm cao trong các bài thi chứng chỉ ngoại ngữ là điều tốt, nhưng chuyên gia giáo dục lo rằng việc "flex" quá nhiều hoặc sai cách có thể gây ra ảnh hưởng xấu.


Đạt điểm cao trong các bài thi chứng chỉ ngoại ngữ là điều tốt, nhưng chuyên gia giáo dục lo rằng việc "flex" quá nhiều hoặc sai cách có thể gây ra ảnh hưởng xấu.

Khoe con đạt chứng chỉ IELTS sao cho khỏi "giật gân"?- Ảnh 1.

Một số thí sinh có thể đạt điểm IELTS cao mà không cần ôn nhiều, nhưng trường hợp đó rất ít. Ảnh: Telegraph.

IELTS, TOEIC và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam vì có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp như xét tuyển đại học, xét học sinh hỏi cấp tỉnh, nộp hồ sơ du học… Khi đó, một hiện tượng mới bắt đầu xuất hiện chính là việc “flex” chứng chỉ.

Thời gian qua, người đọc không khó để lướt thấy những bài viết như “đạt IELTS cao sau 2 tháng ôn thi”, “đạt TOEIC cao mà không cần học thêm”... trên mạng xã hội. Những bài viết này thường thu hút được sự chú ý của dân mạng, trong đó có không ít lời khen và bày tỏ sự ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, những câu chuyện này cũng gây ra những mặt trái nhất định. Trao đổi với Tri thức - Znews, các giáo viên nói rằng những bài viết “flex” chứng chỉ có thể gây hiểu nhầm và tạo ra áp lực không nhỏ với những người đang học ngoại ngữ.

                 

Hiếm hoi trường hợp học ít mà có chứng chỉ điểm cao

Đánh giá ở góc độ giáo viên dạy tiếng Anh cũng như định hướng cho các giáo viên khác, thầy Đinh Quang Tùng, Giám đốc học thuật tại một trung tâm Anh ngữ ở TP.HCM, khẳng định việc không ôn luyện nhưng đạt điểm IELTS, TOEIC cao vẫn có thể xảy ra, nhưng chỉ với những trường hợp bản thân người đó đã có vốn tiếng Anh cực tốt.

Theo thầy Tùng, tất cả bài thi chứng chỉ ngoại ngữ luôn đánh giá 2 phần khả năng ngôn ngữ và kỹ năng làm bài. Trong đó, khả năng ngôn ngữ chiếm khoảng trên 80% để đạt được số điểm nhất định.

Chia sẻ câu chuyện của bản thân, năm 2016, thầy Tùng thi IELTS và đạt 8.0 ngay trong lần đầu tiên. Tuy nhiên, thầy giáo khẳng định đó là kết quả của cả một quá trình trau dồi tiếng Anh từ rất lâu chứ không phải trong ngày một ngày hai như các bài viết khoe điểm, thổi phồng thành tích trên mạng xã hội.

Để đạt điểm cao ngay lần đầu tiên, thí sinh thường đã trải qua nhiều năm học ngoại ngữ bằng nhiều cách, có thể tham gia các khóa học hay tự học qua cuộc sống thường ngày.

Tuy nhiên, điều thầy Tùng chắc chắn là quá trình này phải tính bằng năm và tốn rất nhiều công sức. Thế nhưng, ở các bài viết khoe điểm, quá trình này thường bị “lu mờ" bởi ít ai để ý đến mối liên hệ giữa quá trình học tiếng Anh thời còn nhỏ và việc thi các chứng chỉ ngoại ngữ.

“Nhiều người nghĩ rằng đạt IELTS 8.0 thì phải đi học IELTS, nhưng thực tế chưa chắc là như vậy. Về bản chất, bạn cần học tiếng Anh tốt trước đã”, thầy Tùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với thầy Quang Tùng, cô Dương Quỳnh, giáo viên dạy IELTS tại Hà Nội, cũng khẳng định việc thi IELTS, TOEIC hay các chứng chỉ ngoại ngữ khác đạt điểm cao dù ôn thi trong thời gian ngắn hoặc không ôn vẫn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, người thi phải có xuất phát điểm là kỹ năng tiếng Anh ở mức trung bình khá hoặc tốt trở lên, cộng với khả năng tiếp thu nhanh, có ý thức tự trau dồi từ nhiều nguồn khác nhau.

Nhìn chung, việc không học, không ôn hoặc ôn thi trong thời gian ngắn mà vẫn đạt điểm cao thường chỉ xảy ra ở những người vốn đã có trình độ tốt và không phải ai cũng có thể làm được điều đó.

Cô Quỳnh nhấn mạnh rằng những bài viết nói về những câu chuyện này có thể dễ khiến nhiều người hiểu nhầm vì họ chỉ thấy được kết quả chứ không thấy được quá trình học hay những yếu tố khác như năng khiếu, nền tảng có sẵn.

“Tôi là giáo viên IELTS nên cũng thường đọc những bài viết về những bạn thi IELTS đạt điểm cao. Tôi thấy những bài như vậy có thể tạo động lực học cho người khác, nhưng cũng có thể gây áp lực và khiến người học cho rằng mình không đạt được kết quả như vậy nghĩa là mình kém cỏi”, cô Quỳnh nêu quan điểm.

                 

Khoe con đúng cách

Về việc khoe chứng chỉ hoặc thành tích tiếng Anh trên mạng xã hội, cô Quỳnh nhận định đây là một điều dễ hiểu và có thể đang trở thành xu hướng. Lý do là IELTS, TOEIC và những chứng chỉ quốc tế khác đều rất “khó nuốt” nên được mọi người quan tâm.

Hơn nữa, những chứng chỉ này thể hiện được trình độ và sự cố gắng của một người thông qua các con số cụ thể nên mọi người thường muốn chia sẻ lên mạng như một cách để “flex” và mong muốn được công nhận.

Không riêng học sinh, phụ huynh ngày nay cũng rất đề cao các chứng chỉ ngoại ngữ. Cô Dương Quỳnh lo rằng khi những bài viết “khoe” thành tích ngoại ngữ được chia sẻ lên mạng, phụ huynh sẽ có xu hướng quá coi trọng các chứng chỉ này, từ đó dẫn đến làn sóng cho con luyện thi.

Điều này sẽ gây ra hiện tượng tiêu cực là người học sẽ học ngôn ngữ một cách máy móc, rập khuôn, hay thậm chí là học vẹt để đạt được điểm cao. Ngoài ra, việc này cũng gây tốn kém, tốn thời gian và khiến nhiều bạn mệt mỏi vì phải học dồn quá nhiều.

Đồng quan điểm, thầy Tùng đánh giá việc thích khoe thành tích nói chung và thành tích ngoại ngữ nói riêng là tâm lý bình thường của nhiều phụ huynh Á Đông cũng như phụ huynh Việt Nam.

Tuy nhiên, theo thầy Tùng, việc gì cũng có 2 mặt. Việc khoe chứng chỉ tiếng Anh hay bất kỳ chứng chỉ ngoại ngữ nào của con trên mạng xã hội ở góc độ nào đó có thể tạo động lực cho các bạn học sinh khác.

Nhưng ngược lại, những bài viết này cũng có thể dẫn đến sự gia tăng về áp lực đồng trang lứa, đặc biệt ở những bạn học sinh có ít điều kiện tiếp cận và học ngoại ngữ hơn.

“Tâm lý học có một khái niệm là 'thiên kiến kết quả', thể hiện hành động đánh giá một quyết định dựa vào kết quả thay vì tìm hiểu quyết định đó đã được thực hiện như thế nào. Đây cũng chính là điều phụ huynh cũng như học sinh dễ gặp phải khi thấy các bài viết khoe thành tích, dẫn đến việc áp lực, hiểu lầm”, thầy Tùng nhận định.

Theo thầy Tùng, để tránh được thiên kiến này, chúng ta cần lưu ý rằng "mọi kết quả luôn đến từ rất nhiều yếu tố khác nhau". Xét trong việc học ngoại ngữ, những yếu tố này không phải lúc nào cũng được chia sẻ đầy đủ qua các bài viết trên mạng xã hội.

“Rất có thể một học sinh nhỏ tuổi đạt điểm chứng chỉ tiếng Anh cao mà không phải đi học thêm vì bản thân bạn đó đang được học trong các trường quốc tế, hoặc bạn đó được phụ huynh tạo cho một môi trường nói tiếng Anh từ khi còn nhỏ, hoặc bạn đó có trí thông minh ngôn ngữ nhỉnh hơn so với một số bạn khác…”, thầy Tùng nhận xét.

Tuy nhiên, dù lý do là gì, thầy Tùng cho rằng các phụ huynh cần hiểu rằng việc đạt được kết quả như vậy đều xuất phát từ một quá trình. Mỗi người có một quá trình phát triển khác nhau. Vì vậy, phụ huynh đừng lấy kết quả của người khác để làm thước đo cho mình hoặc con trẻ.

Ở góc độ những phụ huynh thích khoe con, thầy Tùng cho rằng các bậc cha mẹ nên tìm hiểu kỹ hơn về quá trình mà con họ đạt được mục tiêu và chia sẻ chi tiết quá trình đó, thay vì chỉ đăng những nội dung “giật gân” như “chỉ học ở nhà" hay " học thần tốc"...

“Điều này sẽ giúp người đọc nhìn nhận rõ hơn về quá trình học sinh đạt được thành tích về ngoại ngữ và có hướng đi phù hợp hơn cho bản thân hoặc con của mình”, thầy Tùng nhấn mạnh.