Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư bày tỏ cảm xúc đặc biệt của mình khi nhận danh hiệu NSƯT ở lần trao tặng thứ 10. "Tôi vẫn thấy hạnh phúc khi được làm công việc mà mình yêu thích với mong muốn tác phẩm mình làm ra có sự hữu ích, có sức lan tỏa tới khán giả. Khi vinh dự được nhận danh hiệu NSƯT tôi thấy mình như được tiếp thêm động lực và cũng thấy bổn phận, trách nhiệm của mình cần cố gắng nhiều hơn nữa đối với lĩnh vực hoạt động nghệ thuật mà mình gắn bó, để có những đóng góp hữu ích hơn cho nền báo chí, nghệ thuật nước nhà".
Tạ Quỳnh Tư là đạo diễn từng gây chú ý với bộ phim tài liệu Ranh giới nói về cuộc chiến của những sản phụ, y bác sĩ trong “cơn cuồng phong” của đại dịch Covid-19.
Tạ Quỳnh Tư đã dần trở nên quen thuộc khi gắn với nhiều bộ phim phóng sự tài liệu tạo sóng dư luận trong khoảng 5, 6 năm qua. Những bộ phim của anh cùng một số đạo diễn trẻ như thổi một luồng sinh khí mới cho dòng phim tài liệu Việt vốn đã có nhiều dấu ấn trong những chặng đường phát triển.
Không thể đứng ngoài cuộc trước những biến cố lớn của đất nước, trong đại dịch Covid-19 anh và đồng nghiệp đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh dấn thân vào hiện thực khốc liệt ở đây. Bộ phim phóng sự tài liệu Ranh giới đã mang đến những ám ảnh trong dịch bệnh về cuộc chiến giành giật sự sống từ tay thần chết cho những thai phụ của các y bác sĩ.
Tạ Quỳnh Tư sinh năm 1980 trong một gia đình có 6 anh em, bố mẹ đều là công nhân. Tuổi thơ anh ham chơi, lười học. Ngày các bạn thi đại học, Tư vẫn chưa biết mình sẽ thi trường nào. Phải mất 4 năm sau, khi các bạn đã chuẩn bị ra trường thì Tư mới bắt đầu con đường “học hành”.
Đó là một hôm đi làm đồng, ngồi một mình giữa cánh đồng vắng, nghĩ đến sự vất vả của người nông dân, Tư tự hỏi: Liệu suốt cuộc đời sẽ gắn bó với đồng ruộng hay làm một điều gì khác? Rồi Tư quyết tâm rời quê hương Hải Hậu (Nam Định) lên Hà Nội làm việc, sau đó ôn thi đại học.
Để bước chân vào giảng đường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, anh đã làm đủ việc như đánh véc ni cho các xưởng mộc, phụ hồ, in ép ảnh, quay phim dịch vụ...
Tạ Quỳnh Tư đến với nghề quay phim đơn giản bởi yêu thích hình ảnh những người cầm máy quay trên truyền hình. Anh cũng tự nhận mình thích môn văn. Những tác phẩm văn học tạo nên cảm hứng trong suốt hành trình sáng tạo trước ống kính máy quay của anh sau này.
Bên cạnh văn chương, điều quan trọng với Tư chính là chất liệu từ cuộc sống. Sinh ra ở nông thôn, lại trải nghiệm nhiều công việc khác nhau, Tư có vốn sống đủ để tìm được sự đồng cảm và chia sẻ từ phía các nhân vật.
“Thú thực tôi lười học, lười đọc sách nhưng tôi may mắn được đọc trang sách cuộc đời. Mỗi lần đến từng địa phương, gặp những con người, số phận khác nhau thì tôi coi đó là những trang sách rất quý. Những trang sách rất sinh động, có nỗi đau, sự sẻ chia, đồng cảm...” - anh từng chia sẻ với truyền thông.
Những câu chuyện Tạ Quỳnh Tư kể thu hút người xem bởi lối dẫn dắt riêng trong hành trình khám phá, bóc tách và giải quyết vấn đề.
Trước phim Ranh giới, Tạ Quỳnh Tư đã có những bộ phim rất ấn tượng. 50 phút của bộ phim Hai đứa trẻ khiến người xem không thể dứt ra khỏi câu chuyện về hai trẻ sơ sinh bị trao nhầm ở Bình Phước. Nhà báo Nguyễn Thuận (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh) cho rằng: “Phim tài liệu Hai đứa trẻ, từ đầu đến cuối không có một lời bình nào, nhưng xem bạn sẽ khóc từ đầu đến cuối. Đó là cái gì? Hãy để cảm xúc được lên tiếng. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm được đến trái tim”.
Ở phim Đường về, Tư lại đi sâu khai thác sự mất mát, khắc khoải của những người mẹ trong hành trình đi tìm danh tính hài cốt liệt sĩ. Cho đến giờ, những ai đã xem bộ phim này chắc hẳn vẫn rất ám ảnh trước hình ảnh người mẹ già, lưng còng gần chạm đất, một mình đi trên con đường vắng ra thăm mộ con và khóc, hỏi con nằm dưới đất sâu “bao nhiêu tuổi”.
Khi làm phim, Tạ Quỳnh Tư luôn sẵn sàng ít nhất hai chiếc máy quay, một của mình, một của quay phim để chủ động bám sát nhân vật. Ngay cả khi nói chuyện, ăn cơm, nghỉ giải lao... anh cùng cộng sự luôn có sự bàn bạc trước để không lỡ diễn tiến câu chuyện.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước nhận định: “Thế mạnh về hình của Tư chính là sự chân thật. Tư luôn là người cầm máy thứ hai cùng với quay phim chính và không gì tốt bằng khi chính đạo diễn cũng là người thường quay hình ảnh cho những bộ phim của mình. Thực ra đó cũng là một cách làm phim. Trên thế giới cũng vậy, có những nhóm làm phim mà đạo diễn luôn tự quay”.
Định danh bằng thể loại phim tài liệu không lời bình, Tạ Quỳnh Tư lý giải con đường đến với nó đơn giản là vì anh không giỏi việc viết lời bình. Nhưng theo nhà biên kịch Khương Diệp Anh, Tạ Quỳnh Tư đã biến cái bất lợi thành lợi thế cho mình khi theo đuổi dòng phim này: “Thể hiện không lời bình khó hơn có lời bình. Anh dùng ngôn ngữ hình ảnh để truyền tải cảm xúc, kết hợp với nội dung rất thời sự. Những đề tài anh chọn thông thường không đi vào vấn đề vĩ mô nhưng để lại nhiều dư ba. Ví dụ anh luôn chọn đề tài về thân phận, đằng sau những vướng mắc, tắc trách, nhầm lẫn... vẫn luôn là sự nhân văn, đưa khán giả đến những chiều kích của cảm xúc”.
Có người nói, Tạ Quỳnh Tư may mắn bởi anh được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, nhạy bén tại Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam. Nhưng có lẽ, để có được thành công của ngày hôm nay, hơn hết vẫn là trải nghiệm thực tế và sự đồng cảm của chính anh - một đạo diễn trẻ đã tìm được "lối đi riêng", để đời sống tự kể câu chuyện của mình qua những thước phim đắt giá.
Anh đã được trao nhiều giải thưởng: Huy chương bạc cho phim Cây đời và Kè chắn sóng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2011, huy chương vàng cho phim Lời nhắn tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2013.
Phim Hai đứa trẻ được trao giải A giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - 2016 và Cánh diều vàng 2016 cho Phim tài liệu xuất sắc, Cánh diều vàng cho Đạo diễn xuất sắc.
Phim Miền đất hứa được trao giải nhì Liên hoan Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương 2018 và giải Cánh diều bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam cùng năm.
Phim Chông chênh được trao giải Bông sen vàng Phim tài liệu xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI - 2019 và giải Ấn tượng VTV Awards 2019.
Phim Ranh giới được giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII.