Dân Việt

Tây Thi bị vợ của Câu Tiễn sai quân lính buộc vào đá ném xuống sông?

PV 11/03/2024 20:30 GMT+7
Có thuyết lại cho rằng, vợ của Câu Tiễn ghen, sợ Câu Tiễn mê đắm Tây Thi mà mất nước như Phù Sai nên đã bí mật sai quân lính bắt Tây Thi buộc vào đá ném xuống sông...

Khi mỹ nhân trở thành quân cờ trên bàn cờ chính sự

Tây Thi vốn tên là Thi Di Quang, là con một người thôn nữ họ Thi, nàng dệt vải ở núi Trữ La, Gia Lãm (nay là Chư Kỵ), thuộc nước Việt thời Xuân Thu. Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, Tây Thi là người ở thôn Tây, vậy nên gọi là Tây Thi. Tây Thi là mỹ nhân có ngũ quan đoan chính, phấn diện đào hoa, tướng mạo hơn người ngay cả khi không trang điểm. Vì gia cảnh khó khăn, quanh năm suốt tháng nàng phải mặc xiêm y bằng vải bố, nhưng vẫn không thể che lấp được vẻ đẹp tuyệt vời, tự nhiên, thuần khiết.

Dù quanh năm chỉ biết lấy công việc dệt vải làm thú vui mỗi ngày, đôi khi còn nhăn mặt vì quá mệt mỏi song nhan sắc kiều diễm mà nàng đang sở hữu vẫn chẳng hề thay đổi. Theo sử sách ghi chép: Tây Thi đẹp tới mức "chim sa cá lặn", chỉ cần hiện diện ở đâu là cây cối nghiêng ngả còn vạn vật thì dường như đắm chìm bởi dung nhan quá đỗi hoàn hảo từ nàng - người đứng đầu trong hàng Tứ đại Mỹ nhân thời bấy giờ.

Đẹp là thế nhưng cuộc đời của nàng Tây Thi lại bắt đầu gặp sóng gió khi Câu Tiễn, vua của nước Việt thời Xuân Thu chiến quốc bị Ngô Phù Sai đánh cho mất nước do không nghe lời can ngăn của tướng tài Phạm Lãi và Văn Chủng. Việt vương Câu Tiễn bại trận, bị Ngô vương Phù Sai buộc vợ chồng Câu Tiễn phải sang Ngô làm con tin. Câu Tiễn quyết chí trả thù, Văn Chủng trước khi Câu Tiễn sang Ngô đã hiến cho Câu Tiễn 7 kế, trong đó có một kế là "Mỹ nhân kế" - dâng người đẹp mê hoặc vua Ngô. Trong vòng nửa năm, Câu Tiễn tuyển được 2000 mỹ nữ, trong đó có hai người nhan sắc tuyệt thế là Tây Thi và Trịnh Đán. Tây Thi không chỉ là người có sắc đẹp kiêu sa, múa hay hát giỏi mà còn có trí thông minh, học đâu nhớ đấy, cách nói chuyện quyến rũ người nghe và biết cả bí thuật phòng the của Hạ Cơ từng làm khuynh đảo vua tôi nước Tần. Văn Chủng là người trang nghiêm đạo đức, mà khi thấy mặt nàng cũng phải kinh ngạc.

Tây Thi bị vợ của Câu Tiễn sai quân lính buộc vào đá ném xuống sông?- Ảnh 1.

Câu Tiễn dùng Tây Thi mê hoặc Phù Sai. Ảnh trên phim.

Vốn háo sắc, Ngô vương Phù Sai lập tức tiếp nhận khi được cống tiến hai mỹ nữ với nhan sắc tuyệt vời, đồng thời khen nước Việt rất có lòng trung thành với bậc Vương quyền nên ra lệnh ban thưởng. Khi Tây Thi bước vào cung Ngô, Phù Sai thấy mỹ nhân thân hình thanh tú, bước đi uyển chuyển, đôi mắt long lanh đa tình, dung nhan sắc nước hương trời, không một mỹ nhân nào trong cấm cung có thể sánh kịp thì ngây ngất cả người, say mê nhìn không chớp mắt. Khi nàng bái chào, Phù Sai nghe như tiếng oanh tiếng phượng thánh thót, thì càng điên đảo, lập tức xuống chiếu phong làm Quý phi.

Lúc này Tướng Quốc Ngũ Tử Tư trông thấy Tây Thi, biết nàng sẽ là cái họa vong quốc, bèn khuyên can: "Thần nghe, Hạ vong bởi Muội Hỉ, Ân vong bởi Đát Kỷ, Chu vong bởi Bao Tự. Mỹ nhân, là vật gây mất nước, nên từ chối". Thế nhưng Ngô vương Phù Sai không nghe, đã hạ lệnh cho xây đài Cô Tô và cung Xuân Tiêu làm chốn hưởng lạc cùng các mỹ nhân. Ngoài ra, do Tây Thi rất giỏi điệu múa "gõ guốc" nên ông bèn dựng thêm một cái đài lớn để nàng trình diễn mỗi ngày.

Thấy vua Ngô quá chìm đắm vào tửu sắc mà quên chuyện triều chính, vị vua chiến bại Câu Tiễn đã nhanh chóng lên kế hoạch trả thù cho riêng mình. Tương truyền: "Vì mải mê với mỹ nhân mà Phù Sai mất nước, nước Ngô bị quân Việt xâm lấn và đánh bại. Cuối cùng, vua phải Ngô sai sứ giả mang nhiều của cải sai sang giảng hòa khiến nước Việt không ngừng lớn mạnh. Cuối cùng, hối hận vì không nghe lời Ngũ Viên từng nói nên Phù Sai liền dùng dao cắt cổ mà chết. Ông được Câu Tiễn sai người mang chôn cất và trở thành vị vua cuối cùng của nước Ngô".

Số phận của nàng Tây Thi sau khi nước Ngô diệt vong vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp

Theo người xưa kể lại, Tây Thi và Phạm Lãi vốn có tình cảm với nhau. Và sau khi nước Ngô vong, Phạm Lãi được Câu Tiễn ban thưởng. Sau đó, Phạm Lãi đã bỏ đi cùng Tây Thi, cả hai ngao du Thái Hồ, cứ thế mà sống, không vướng bận chuyện nhân thế nữa.

Có thuyết lại cho rằng, vợ của Câu Tiễn ghen, sợ Câu Tiễn mê đắm Tây Thi mà mất nước như Phù Sai nên đã bí mật sai quân lính bắt Tây Thi buộc vào đá ném xuống sông. Về sau, trong sông xuất hiện một con nghêu, dân gian cho rằng đó là lưỡi của nàng, do vậy con nghêu còn được gọi là Tây Thi thiệt.

Ngày nay, tại Chiết Giang, Thiệu Hưng, Chư Kỵ, có một tòa điện Tây Thi, các di tích của Việt quốc cổ đô thành. Sau khi Tây Thi mất tích, người ta đã dùng Tây Hồ để tưởng nhớ nàng. Tây Hồ, còn gọi là Tây Tử Hồ, theo quan niệm dân gian cho rằng nơi đây là nơi vong hồn của nàng vẫn còn tồn tại.

Tranh cãi về thực hư nàng Tây Thi có thật hay không

Đến nay, Tây Thi - một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa là người thực hay chỉ là hư cấu vẫn còn là đề tài tranh cãi. Nhiều giả thuyết phủ nhận sự tồn tại của Tây Thi mà cho rằng tên Tây Thi chỉ dùng để gọi chung những người con gái đẹp thời xưa chứ không phải tên một mỹ nữ cụ thể. Sử sách thời Tiên Tần cũng không đề cập tới dữ kiện Câu Tiễn sử dụng Tây Thi làm mỹ nhân kế. Nhưng sự kiện lịch sử thời Đông Hán có chép rằng: "Việt tìm được mỹ nữ Tây Thi, Trịnh Đán rồi sai đại phu là Văn Chủng mang tới hiến cho Ngô Vương Phù Sai".

Mặc dù bí ẩn nàng Tây Thi đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" trong lịch sử Trung Hoa chưa được xác thực rõ ràng, nhưng dù thế nào, đây cũng là một hình tượng nhân vật rất đáng để sử sách ca ngợi. Nàng là một người đạo đức vẹn toàn, dù là ở Ngô hay ở nước Việt thời Xuân Thu chiến quốc thì nàng thật sự phải được ghi công.

Câu chuyện một phần cho chúng ta thấy rằng, dù là Tây Thi hay là ai đi chăng nữa, chỉ cần là phụ nữ, họ sẽ luôn luôn bị rung động và bị chinh phục trước sự chân thành trong tình yêu. Tình yêu là sự yêu thương, gần gũi, quan tâm, lo lắng, che chở và hi sinh cho nhau. Phù Sai đã làm được điều đó...