Đi hơn 400 cây số từ một tỉnh miền Trung vào TPHCM, người mẹ gần 60 tuổi ấy tìm đến tận phòng đào tạo trường đại học con mình trúng tuyển cách đây 3 năm.
Bà đến để xác nhận con mình có còn theo học ở trường hay đã bỏ học như thông tin mình nắm được. Bà vẫn hy vọng đó chỉ là sự nhầm lẫn...
Bà quay người, òa khóc khi biết chắc con đã nghỉ học hơn một năm trước, từ năm thứ 2 đại học.
Người mẹ bấm điện thoại gọi cho con, hy vọng có thể gặp con, muốn nghe một lời giải thích trước khi lên xe về quê. Đầu dây bên kia đổ chuông, đứa con tắt máy.
Bà đến ở nhà em gái thêm hai ngày, chờ để gặp được con. Nhưng điện thoại của con đã hoàn toàn không liên lạc được.
Lâu nay, người mẹ từng nghe bạn bè cũ của con hồi phổ thông nói loáng thoáng "Nguyên (con bà) bỏ học rồi!". Vài lần bà hỏi, con không phản đối nhưng cũng không xác nhận.
Có thời gian, không phải dịp hè hay Tết nhưng cháu bỏ về quê nhiều tháng trời với thân thể giảm hơn 11 ký, xơ xác, ốm nhom ốm nhách. Con chỉ ở trong nhà bấm máy tính, chơi game. Kể cả đến bữa ăn, chàng thanh niên ngoài 20 tuổi ấy bê tô cơm vào phòng, không tiếp xúc, không nói chuyện với bố mẹ.
Ông bố chịu hết nổi, nhiều lần đập cửa hỏi han, chất vấn con. Đứa con sau khi đập phá đồ đạc, chửi bới đã bỏ quay trở lại thành phố với lời nhắn: "Con chán lắm rồi!".
Đó là câu chuyện được chị Nguyễn Ngọc Linh, ngụ quận 11, TPHCM chia sẻ về trường hợp về gia đình chị gái mình trước tình cảnh đứa con ưu tú, xuất sắc bỏ học.
Cháu chị từng là học sinh xuất sắc 12 năm liền, giành vô số giải thưởng ở lĩnh vực học thuật hồi phổ thông, tên lúc nào cũng ở hạng nhất, hạng nhì. Cháu trúng tuyển vào một trường đại học hàng top thuộc lĩnh vực tự nhiên với tương lai rộng mở phía trước.
Nhưng chỉ hơn một năm ở giảng đường, cậu học trò xuất sắc ấy đã biến thành một con người khác. Cháu bỏ bê việc học, kết quả học tụt dốc, nhiều môn phải học lại cho đến khi gia đình nắm được thông tin cháu bỏ học.
Trong nỗi cùng cực, vợ chồng chị gái chị Linh vẫn không thể hiểu nổi điều gì đã phá hủy đứa con ưu tú của mình trong một thời gian ngắn như vậy....
Cháu chị Linh chỉ là một trong hàng ngàn sinh viên nằm trong diện thôi học mỗi năm tại các trường đại học. Các em có thể không đạt được yêu cầu đào tạo của trường nhưng cũng có nhiều trường hợp các em tự ý bỏ học...
Tại nhiều trường như Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Trường Đại học Công thương TPHCM, Trường Đại học Luật TPHCM, Đại học Bách khoa... mỗi năm đều có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sinh viên bị buộc thôi học, trong đó nhiều em tự ý bỏ học.
Việc sinh viên không đáp ứng được yêu cầu hoặc nghỉ học khi vào đại học được lý giải, nhiều em sa ngã vào nhiều tệ nạn, không dành thời gian cho việc học; do bị "đuối" ở môi trường học tập đại học khác biệt hay do lựa chọn sai ngành nghề, kể cả chán nản môi trường đại học, do áp lực học phí ...
Tuy nhiên, một chuyên gia giáo dục ở TPHCM cho rằng, điều nhiều sinh viên gặp phải khi vào đại học là các em mất động lực và động cơ học tập, dù rằng ở bậc phổ thông các em rất giỏi, rất xuất sắc.
Ông phân tích, ở phổ thông việc học của trẻ thường gắn liền với động lực đến từ bên ngoài như phần thưởng, thành tích, thi cử hoặc hình phạt từ bố mẹ, thầy cô.
Động lực đó không đến từ bên trong các em, không phải là động lực tự thân nên khi rời khỏi môi trường "ràng buộc" đó, nhiều em chới với, tuột dốc...
Nhìn vào thực tế học sinh giỏi "lao dốc" ở đại học không phải là số ít, ông cho rằng, ở Việt Nam có một quy trình ngược trong việc học. Không ít trẻ nhỏ bị "vắt kiệt sức" từ bé, từ mầm non cho đến phổ thông nhưng vào đại học lại học qua loa, vật vờ...
Có thể trong hành trình học tập, các em không tìm thấy được cái hay, sự thú vị, giá trị của việc học; việc học không giúp các em khám phá ra năng lực của bản thân.
Việc các em đứt gánh, bỏ học ở giảng đường, theo ông còn là kết quả của một hành trình trước đó.