Nếu chính sách tiền lương mới được áp dụng từ ngày 1/7/2024 thì đây sẽ là tin vui với giáo viên cả nước khi mức thu nhập sẽ được cải thiện, đời sống của giáo viên sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, lương giáo viên năm 2024 sau cải cách cũng sẽ thay đổi cách tính, trong đó khoản phụ cấp sẽ không còn khiến nhiều giáo viên lo lắng.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thu Trang, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội bày tỏ: "Điều đầu tiên tôi luôn đồng thuận với các chính sách liên quan đến nhà giáo được đưa ra. Tất nhiên vẫn còn những quy định, quyết định chưa phù hợp nhưng sau khi nhận phản ánh, các sở ban ngành cũng đã kịp thời điều chỉnh. Đặc biệt mới đây khi nghe thông tin từ 1/7 sẽ thực hiện chính sách lương mới cho giáo viên tôi càng vui mừng hơn.
Tuy nhiên, tôi và nhiều đồng nghiệp khác còn băn khoăn về khoản thâm niên sẽ bị cắt. Tôi không rõ khoản này sẽ được thay thế bằng khoản nào khác bởi đó là kinh nghiệm, sự cống hiến sau bao năm của chúng tôi. Một giáo viên có thâm niên 20 năm sẽ khác hẳn với một giáo viên vừa ra trường chưa biết gì. Theo tôi, giáo viên trẻ cần có chế độ khuyến khích các em theo nghề, còn giáo viên lâu năm cần giữ chế độ ghi nhận công sức của họ".
Đây cũng là kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ mới đây. Cử tri phản ánh: Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, dự kiến từ ngày 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương lương mới sẽ bao gồm lương cơ bản chiếm 70% và 30% gồm các khoản phụ cấp. Nhiều giáo viên băn khoăn khi đó sẽ không còn phụ cấp thâm niên nhà giáo, đặc biệt đối với các giáo viên đã công tác lâu năm. Cử tri mong muốn Bộ Nội vụ quan tâm khi xây dựng quy định mới để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và gắn bó với nghề".
Trước băn khoăn này, Bộ Nội vụ khẳng định: "Tại khoản 3 mục III Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã nêu "thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".
Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024, Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới (trong đó có chế độ tiền lương đối với đội ngũ giáo viên như ý kiến của cử tri nêu) trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII từ ngày 1/7/2024.
Cơ cấu tiền lương giáo viên năm 2024 được xây dựng mới gồm: Lương cơ bản (chiếm 70% tổng quỹ tiền lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ tiền lương); bổ sung tiền thưởng chiếm 10% tổng quỹ lương).
Ngoài ra, chính sách tiền lương mới sẽ giảm thiểu các chế độ phụ cấp, dự kiến chỉ còn 9 loại: Phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động, phụ cấp theo nghề, phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn và phụ cấp đặc thù lực lượng vũ trang (bảo đảm không vượt quá 30% tổng quỹ lương).
Với cách tính lương mới này, theo dự kiến mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay. Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12.
Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).