Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London trở lại xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng 28 USD, lên 3.307 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 23 USD, lên 3.198 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng 0,90 cent, lên 185,90 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 0,95 cent, lên 184,10 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 900 đồng/kg tại các tỉnh thành trọng điểm. Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 91.100 - 92.000 đồng/kg. Cụ thể, hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông đang có giá thu mua cà phê ở mức thấp nhất và cao nhất là 91.100 đồng/kg và 92.000 đồng/kg. Thương lái tại Gia Lai và Đắk Lắk hiện giao dịch với giá tương ứng là 91.800 đồng/kg và 91.900 đồng/kg.
Báo cáo lạm phát Mỹ trên mức kỳ vọng đã khiến các nhà đầu tư Phố Wall suy đoán Fed sẽ mạnh tay cắt giảm lãi suất tại phiên họp sắp tới đã thu hút dòng vốn đầu cơ quay lại các thị trường hàng hóa, chứng khoán tăng mua.
Giá cà phê kỳ hạn hồi phục sau sự dao động lưỡng lự kéo dài ngay từ đầu phiên do là ngày chốt sổ vị thế kinh doanh. Chỉ tới khi các chỉ số kinh tế phù hợp đã kích hoạt các lệnh mua tự động giúp giá cà phê kỳ hạn quay trở lại xu hướng tăng trên cả hai sàn.
Theo các nhà quan sát, giá cà phê kỳ hạn còn có sự hỗ trợ của dữ liệu báo cáo tồn kho ICE vẫn quanh quẩn ở mức thấp và báo cáo xuất khẩu giảm của Việt Nam và Êthiopia. Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê (Cecafé) ở Brazil báo cáo xuất khẩu 8 tháng đầu niên vụ hiện tại 2023/2024 đã tăng gần 50%, cho dù việc vận chuyển cà phê sang các thị trường tiêu dùng vẫn bị trì trệ tại các cảng xuất khẩu chính.
Trong khi những cơn mưa gần đây tiếp tục là yếu tố gây áp lực giảm giá trên các thị trường kỳ hạn nhưng lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn duy trì trong ngắn hạn.
Theo Hiệp hội Cà Phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 394.167 tấn cà phê, giá trị khoảng 1,25 tỷ USD, tăng 15,1% về lượng và tăng 67,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 764.802 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu trên 2,36 tỷ USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 39,4% về giá trị so với cùng kỳ niên vụ trước.
Trong đó, cà phê nhân Robusta đóng góp giá trị nhiều nhất với gần 1,84 tỷ USD, cà phê nhân Arabica đạt kim ngạch hơn 56,62 triệu USD, cà phê nhân đã khử caffeine kim ngạch gần 3,2 triệu USD. Cà phê chế biến (rang xay và hòa tan) có giá trị xuất khẩu hơn 401 triệu USD.
Trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/2024, xét về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống (cà phê nguyên liệu) thì doanh nghiệp Việt Nam chiếm thị phần lớn. Trong đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp dẫn đầu với 81.025 tấn. Tiếp theo là: Intimex Group, Tuấn Lộc Commodities, Simexco Daklak, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Intimex Mỹ Phước, Phúc Sinh, NKG Việt Nam, Olam Việt Nam và Hoa Trang - Gia Lai.
Ngược lại, tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Lý giải nguyên nhân khiến giá cà phê Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, Vicofa cho biết, là do nguồn cung giảm khoảng 10%.
Các vùng trồng cà phê truyền thống đang có sự chuyển dịch giống cây trồng. Một số hộ dân chuyển sang trồng sầu riêng nên diện tích giảm. Vì vậy, để đảm bảo nguồn cung xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp FDI đã phải nhập thêm hàng từ nước khác.