Theo National Interest, thực dân Tây Ban Nha khai phá hòn đảo Guam đầu tiên. Năm 1898, Mỹ chiếm quyền kiểm soát đảo Guam từ tây Tây Ban Nha trong cuộc chiến Mỹ-Tây Ban Nha.
Trong Thế chiến 2, Guam trở thành một trong những điểm nóng chiến sự giữa Nhật Bản và Mỹ.
Sáng ngày 8/12/1941, theo giờ Guam, vài tiếng sau khi Trân Châu cảng bị tấn công. Đảo Guam trở thành mục tiêu oanh tạc của các máy bay Nhật.
Người Guam không hề bất ngờ với chiến tranh vì giống như Philippines hay các vùng lãnh thổ khác của Mỹ ở trung và tây Thái Bình Dương, Guam là căn cứ chiến lược trên bàn cờ quân sự.
Bên cạnh Trân Châu cảng, đảo Guam giúp Mỹ có thể tập trung lực lượng hải quân và không quân để đối đầu với đế quốc Nhật. Chỉ với 700 lính thủy đánh bộ canh gác trên đảo Guam cùng một vài máy bay phòng vệ, hòn đảo này nhanh chóng sụp đổ trước đợt tấn công của quân Nhật từ căn cứ ở Saipan.
Theo National Interest, Nhật Bản vốn đánh giá thấp kẻ thù trong Thế chiến 2, nhưng ở trận chiếm đảo Guam thì ngược lại. Đế quốc Nhật đem đến Guam một lực lượng đổ bộ hùng hậu, bao gồm 4 tàu khu trục hạng nặng và 5.900 binh sĩ.
Đêm ngày 10/12/1941, lực lượng này đổ bộ lên đảo Guam và đến 6 giờ sáng hôm sau, lực lượng Mỹ phòng thủ trên đảo Guam đầu hàng. 17 binh sĩ Mỹ và lính gốc Guam thiệt mạng cùng với 30 thường dân. Quân Nhật tổn thất duy nhất 1 người.
3 năm sau đó, khi cục diện Thế chiến 2 đảo chiều, đến lượt người Mỹ đem quân chiếm lại đảo Guam. Năm 1944, đế quốc Nhật thất bại trên nhiều mặt trận, và quân Nhật hòn đảo này đơn độc phòng thủ.
Nhưng lần này, lực lượng Nhật Bản phòng thủ trên đảo Guam đông đảo hơn nhiều. Nhật đặt tại Guam 19.000 binh sĩ thuộc sư đoàn bộ binh số 29 và trung đoàn gồm 40 xe tăng.
Trong Chiến dịch Forager chiếm đảo Guam, Mỹ huy động 60.000 binh sĩ thuộc sư đoàn thủy quân lục chiến thứ 3, sư đoàn bộ binh số 77.
Chiến dịch khởi động bằng một tháng trời máy bay Mỹ oanh tạc đảo Guam từ các tàu sân bay. Khi năng lực phòng thủ của Nhật suy yếu, Mỹ mới điều chiến hạm đến nã pháo và đưa các tàu cỡ nhỏ làm nhiệm vụ gỡ bỏ vật cản trên biển.
Sáng ngày 21/7/1944, quân đội Mỹ bắt đầu đổ bộ lên đảo từ hướng tây nam. Pháo binh và súng máy Nhật đánh chìm 20 tàu đổ bộ Mỹ, khiến các lính Mỹ đặt chân lên đảo Guam hứng chịu thương vong nặng nề.
Đến 9 giờ sáng, quân Mỹ cuối cùng cũng đưa được xe tăng lên bờ và thiết lập phòng tuyến sâu 2km vào đảo Guam.
Đợt đổ bộ thứ hai lên đảo Guam diễn ra từ ngày 23-24/7. Sư đoàn bộ binh số 77 của Mỹ gặp tổn thất lớn vì việc thiếu hụt tàu đổ bộ khiến binh sĩ Mỹ gần như phải tự bơi vào bờ.
Một khi thiết lập được phòng tuyến liên kết với nhau ở hai bờ biển, quân đội Mỹ không ngừng bổ sung thêm xe tăng Sherman và binh sĩ đến càn quét đảo Guam.
Lính Nhật chỉ mở cuộc phản công vào ban đêm còn ban ngày là thời điểm hai bên giao tranh ác liệt bằng xe tăng. Đến ngày 10/8, trận đánh trên đảo Guam gần như đã kết thúc.
Phía Mỹ ghi nhận hơn 8.000 người chết và bị thương. Các máy bay ném bom B-29 của Mỹ sớm được đưa đến Guam để yểm trợ trên không cho các mặt trận khác trên Thái Bình Dương.
Thương vong của quân Nhật gần như toàn bộ 19.000 lính cố thủ trên đảo. Ước tính chỉ có 300 người sống sót. Thiếu tướng chỉ huy Hideyoshi Obata mổ bụng tự sát sau khi gửi thông điệp nhận thất bại đến Nhật hoàng ở Tokyo.
Đáng chú ý là một người lính Nhật Bản đã lẩn trốn trong hang động trên đảo suốt 28 năm. Tháng 1/1972, người dân trên đảo Guam mới phát hiện ra Shoichi Yokoi và bắt sống người lính Nhật cuối cùng.
National Interest kết luận, trừ khi Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân tấn công Guam, một vài quả tên lửa đạn đạo sẽ không thể tạo nên con số thương vong khổng lồ trên hòn đảo này như trong Thế chiến 2.