SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số sâu bệnh hại cây khoai tây và cách phòng trị
I. Bọ phấn
Đặc điểm hình thái và triệu chứng
- Bọ trưởng thành có kích thước nhỏ, dài khoảng 0.8 - 1.5mm, sải cánh 1.1 - 2mm. Trên cơ thể phủ một lớp sáp màu trắng, chân dài và mảnh.
- Bọ phấn hút nhựa cây làm cho cây có thể bị héo, ngả vàng và chết. Bọ phấn tiết ra dịch ngọt là môi trường cho nấm muội đen phát triển.Bọ phấn còn truyền các bệnh virus gây bệnh cho cây.
Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Thu gom, tiêu huỷ triệt để tàn dư cây trồng đã bị nhiễm bọ phấn. Luân canh với các loại cây ít mẫn cảm với bọ phấn
+ Biện pháp hóa học: Có thể tham khảo một số hoạt chất như Dinotefuran, Thiamethoxam để phòng trừ.
II. Ruồi hại lá
Đặc điểm hình thái và triệu chứng
- Trưởng thành là loài ruồi nhỏ, dài 2-3mm, màu đen. Vòng đời trung bình 25 – 30 ngày.
- Nếu bị hại nặng sẽ làm giảm khả năng quang hợp, làm giảm năng suất cây trồng. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho một số loại nấm bệnh xâm nhập.
Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai, tuyệt đối không bón phân tươi. Dùng bẫy dính màu vàng để dẫn dụ và tiêu diệt ruồi trưởng thành. Cắt tỉa và tiêu hủy những lá bị hại nặng.
+ Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc Cyromazine (Trigard100 SL)
III. Rệp đào hại khoai tây
Đặc điểm hình thái và triệu chứng
- Rệp đào phát triển theo 2 giai đoạn: rệp non và rệp trưởng thành. Rệp trưởng thành sinh sản bằng hình thức đẻ con. Có 2 dạng rệp trưởng thành: có cánh và không có cánh. Mỗi ngày có thể đẻ 2-6 rệp non.
- Rệp đào chích hút dịch cây ở các bộ phận non, làm cho lộc non bị cong queo, rụng sớm; cành lá non không sinh trưởng được. Ngoài ra, chúng còn tiết chất dịch làm môi trường cho nấm muội đen phát triển, bao bọc mặt lá cản trở khả năng quang hợp của các bộ phận lá, làm cho cây sinh trưởng kém.
Biện pháp phòng trừ:
+ Theo dõi vườn trồng để phát hiện các ổ rệp mới xuất hiện đem thu gom tiêu huỷ.
+ Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc sau để phòng trừ: Dầu hạt bông 40% + dầu đinh hương 20% + dầu tỏi 10% (GC - Mite 70SL)để phòng trừ(nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo).
IV. Bệnh đốm vòng
Triệu chứng
- Bệnh gây hại các giai đoạn sinh trưởng và trên các bộ phận của cây.
- Trên lá: vết bệnh thường xuyên xuất hiện ở các lá già phía dưới, sau lan dần lên các lá trên. Vết bệnh hình tròn và có cạnh, màu nâu sẫm, trên đó có các vòng tròn đồng tâm, màu đen.
- Trên quả: vết bệnh xuất hiện đầu tiên ở cuống hoặc tai quả, hình tròn màu nâu sẫm, hơi lõm xuống và cũng có vòng đồng tâm màu đen.
- Trên thân: vết bệnh màu nâu, hơi lõm và có đường tròn đồng tâm.
Biện pháp phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: Dùng giống kháng bệnh. Luân canh cây trồng. Vệ sinh đồng ruộng
+ Biện pháp hóa học: Dùng luân phiên các loại thuốc như: Propineb (Antracol 70WP), Azoxystrobin+Difenoconazole(Trobin top325SC), Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750WG).
Trên đây là thông tin về một số sâu bệnh hại cây khoai tây và cách phòng trị, mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông đã đem tới cho bà con những thông tin hữu ích. Chúc bà con có một mùa màng bội thu!
Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com