Dân Việt

Anh nông dân Phú Thọ gắn 'sao' cho sản phẩm đông trùng hạ thảo chỉ sau một năm khởi nghiệp

Hoan Nguyễn 17/03/2024 12:54 GMT+7
Muốn làm ra sản phẩm tốt cho sức khỏe, anh Phạm Văn Phúc (SN 1987, khu Tân Lập, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) quyết định nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Ngay từ lứa đầu tiên, sản phẩm đông trùng hạ thảo của anh đã thành công và gắn OCOP 3 sao chỉ sau 1 năm khởi nghiệp.

Khởi nghiệp với đông trùng hạ thảo

Anh Phạm Văn Phúc - chủ cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Phúc Linh (khu Tân Lập, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cho biết: "Đông trùng hạ thảo hay còn gọi là trùng thảo, là một loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao và rất tốt cho cơ thể con người. Bên cạnh đó, thấy nhiều người thân, bạn bè không đủ tiền mua loại nấm này hoặc mua phải hàng giả, kém chất lượng nên tôi đã nghĩ đến việc học nghề nuôi cấy đông trùng hạ thảo".

Anh nông dân Phú Thọ gắn 'sao' cho sản phẩm đông trùng hạ thảo chỉ sau một năm khởi nghiệp- Ảnh 1.

Anh Phạm Văn Phúc - chủ cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Phúc Linh ở Phú Thọ. Ảnh: Mạnh Thuần

Từ ý tưởng khởi nghiệp, anh Phúc bắt tay vào tìm hiểu tài liệu, học hỏi cách nuôi cấy đông trùng hạ thảo; đi tìm hiểu thực tế tại nhiều cơ sở khắp các tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Tháng 10/2021, anh Phúc "khăn gói" về Hà Nội học phương pháp nuôi cấy đông trùng hạ thảo chuyên nghiệp. Đến tháng 3/2022, anh Phúc trở về quê hương, bàn bạc với gia đình và xây dựng, mở xưởng cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo trên diện tích gần 100m2, đồng thời mua sắm, đầu tư hệ thống sấy thăng hoa để nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm.

Anh Phúc cho biết, anh đã gặp không ít khó khăn khi khởi nghiệp với đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, anh cũng lại là người khá may mắn, bởi lô đông trùng hạ thảo đầu tiên ra đời đã có kết quả khả quan, không bị hư hỏng.

Anh nông dân Phú Thọ gắn 'sao' cho sản phẩm đông trùng hạ thảo chỉ sau một năm khởi nghiệp- Ảnh 2.

Nuôi cấy đông trùng hạ thảo đạt chuẩn OCOP đòi hỏi kỹ thuật và đảm bảo an toàn vệ sinh tuyệt đối. Ảnh: Mạnh Thuần

"Sau khi được nhiều khách hàng phản hồi tích cực, tôi mạnh dạn sản xuất đông trùng hạ thảo theo hướng hàng hóa, tham gia chương trình OCOP để nâng cao năng suất, chất lượng, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng với mức giá hợp lý" - anh Phúc nhấn mạnh.

Theo anh Phúc, môi trường chính là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới sự thành bại của quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Theo đó, phòng nuôi cấy phải được vệ sinh và khử trùng sạch sẽ; ngoài ra, trong phòng còn trang bị hệ thống phun sương, lắp đặt hệ thống làm lạnh để giữ môi trường, nhiệt độ, độ ẩm ổn định. Quá trình nuôi cấy, chăm sóc đông trùng hạ thảo cũng được thực hiện khép kín, hết sức nghiêm ngặt.

Anh nông dân Phú Thọ gắn 'sao' cho sản phẩm đông trùng hạ thảo chỉ sau một năm khởi nghiệp- Ảnh 3.

Anh Phúc giới thiệu giai đoạn nuôi quả thể. Đây là giai đoạn quan trọng vì thế cần liên tục theo dõi để phát hiện và loại bỏ các hộp bị hỏng mốc, tránh lây lan rộng. Ảnh: Mạnh Thuần

Vừa dẫn chúng tôi tham quan, anh Phúc vừa kể về quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo đúng kỹ thuật phải trải qua 4 giai đoạn: Nuôi sợi, tạo quả thể, nuôi quả thể và cuối cùng là thu hoạch. Mỗi lứa đông trùng hạ thảo, anh thực hiện 2.000 hộp giá thể sản xuất theo kiểu "cuốn chiếu". Tất cả các hộp đều được đánh số rõ ràng để thuận tiện theo dõi khả năng sinh trưởng cho tới ngày thu hoạch.

Gắn sao OCOP cho sản phẩm đông trùng hạ thảo

"Việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ thuật bài bản. Ngoài ra, phải luôn tỉ mỉ, kiên nhẫn trong từng khâu để theo dõi sự thay đổi, phát triển của trùng thảo. Chỉ có như vậy mới có thể xử lý kịp thời, loại bỏ trùng thảo chất lượng kém, hạn chế lây lan dịch bệnh" - anh Phúc nói.


Anh nông dân Phú Thọ gắn 'sao' cho sản phẩm đông trùng hạ thảo chỉ sau một năm khởi nghiệp- Ảnh 4.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo của cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Phúc Linh có mùi thơm đặc trưng, vị hơi đắng, ngọt hậu, thanh mát, rất tốt cho sức khoẻ. Ảnh: Mạnh Thuần

Sau 85 ngày, các sợi đông trùng hạ thảo bắt đầu chuyển sang màu vàng đậm hơn so với phần thân là có thể thu hoạch. Lúc này, anh Phúc sẽ thu hoạch đông trùng hạ thảo và sấy thăng hoa. Mỗi lần sấy thăng hoa mất khoảng 30 tiếng; 10kg đông trùng hạ thảo tươi sấy được khoảng hơn 1kg đông trùng hạ thảo khô. Sau đó, sẽ tiến hành đóng gói theo hộp để bán ra thị trường.

Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của địa phương, tháng 10/2023, sản phẩm "Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa Phúc Linh" của cơ sở anh Phúc được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Chỉ mới hơn 1 năm từ ngày khởi nghiệp đến nay, cơ sở sản xuất của anh Phúc đã bán ra thị trường hàng nghìn hộp đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, mang về doanh thu trên 300 triệu đồng. Từ năm 2024, anh Phúc nhận định, sau khi trừ chi phí, anh có thể thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm từ bán đông trùng hạ thảo thương phẩm.

Hiện nay, cơ sở của anh Phúc đang tiếp tục nghiên cứu chiến lược để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng như đông trùng hạ thảo sấy nguyên đế, đông trùng hạ thảo tán bột, đông trùng hạ thảo ngâm rượu, ngâm mật ong... Đẩy mạnh bán sản phẩm đông trùng hạ thảo trên các sàn thương mại điện tử.

"Thời gian tới, tôi mong được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi mở rộng nhà xưởng, quy mô, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị nhằm nhân rộng mô hình; chuẩn hóa quy trình, cải tiến chất lượng sản phẩm, tiến tới nâng sao OCOP, xuất khẩu sản phẩm. Đồng thời, giảm giá thành để ngày càng nhiều người dân được dễ dàng sử dụng sản phẩm làm từ dược liệu quý này" - anh Phúc nói.