Dân Việt

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với 2 phương án: Bộ GDĐT điều chỉnh thế nào?

Tào Nga 15/03/2024 10:40 GMT+7
Sáng 15/3, tại TP.HCM, Bộ GDĐT tổ chức hội nghị tuyển sinh năm 2024. Theo đó, có 2 phương án về lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được đưa ra.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào ngày nào?

Sáng nay, ngày 15/3, Bộ GDĐT tổ chức hội nghị tuyển sinh năm 2024 tại TP.HCM. Theo đó, về cơ bản việc xét tuyển đại học năm 2024 ít thay đổi so với năm trước. Việc đăng ký xét tuyển năm nay của thí sinh sẽ thuận lợi hơn.

Trước mong ngóng của học sinh về lịch thi tốt nghiệp THPT 2024 vào ngày nào, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT thông tin có 2 phương án: Phương án 1, thời gian thi tốt nghiệp THPT vào ngày 21 và 22/6. Phương án 2 sau đó 1 tuần, vào ngày 26 và 27/6.

Như vậy, cả 2 phương án được xây dựng đều sớm hơn so với năm 2023. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào 28 và 29/6.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với 2 phương án: Bộ GDĐT điều chỉnh thế nào?- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT, cho biết, Vụ đang xây dựng phương án để trình Bộ phê duyệt và ưu tiên phương án 1. Trong trường hợp phương án 2 được lựa chọn, các mốc thời gian tiếp theo sẽ lùi lại tương ứng.

Bà Thủy cũng thông tin thêm, công tác tuyển sinh năm 2024 cơ bản ổn định theo Quy chế 2022. Điểm ưu tiên giữ ổn định với phương án từ mức điểm 22,5 điểm trở lên, mức ưu tiên giảm dần, tổng luôn là 30 (3 môn thang 10). Điểm ưu tiên khu vực được tính trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và 1 năm kế tiếp.

Dự kiến đăng ký xét tuyển đại học từ ngày 10 đến 25/7

Theo kế hoạch, dự kiến từ ngày 10/7 đến 17h ngày 25/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học không giới hạn số lần. Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, sửa, xem) của thí sinh trên hệ thống.

Ngày 20/7, Bộ GDĐT sẽ công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe.

Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống, hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào tất cả các cơ sở đào tạo đăng ký theo ngành/chương trình và được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Đồng thời, thí sinh phải cung cấp các dữ liệu (theo tiêu chí, điều kiện, quy trình đăng ký được quy định tại đề án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo) tương ứng với ngành/chương trình mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển để các cơ sở đào tạo sử dụng xét tuyển.

Việc tổ chức xử lý nguyện vọng xét tuyển diễn ra từ ngày 5/8 đến hết 17h ngày 10/8. Thời gian các trường đại học thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 chậm nhất 17h ngày 12/8.

Việc xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống chậm nhất 17h ngày 18/8. Sau đó, các trường đại học sẽ xét tuyển đợt bổ sung.

Thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ cao

Bà Thủy cũng cho biết, kết quả tuyển sinh năm 2023 có 546.686 thí sinh trúng tuyển đã thực hiện việc nhập học tại các trường trong cả nước, đạt tỷ lệ 82,45% tổng chỉ tiêu đại học và cao đẳng sư phạm mầm non. Tính từ năm 2020 cho đến nay, số thí sinh trúng tuyển đã thực hiện việc nhập học đều tăng theo từng năm. Trong khi năm 2020 chỉ có 460.160 thí sinh thì sang đến năm 2023 đã có 546.686 thí sinh.

Có 203/322 cơ sở giáo dục đại học có tỷ lệ thí sinh nhập học đạt từ 80% trở lên so với chỉ tiêu. Trong danh sách các địa phương có tỷ lệ thí sinh nhập học cao, Bình Dương là địa phương đạt tỷ lệ cao nhất, với 80,61%. Sau đó là Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thừa Thiên Huế. Ngược lại, tỉnh Sơn La là địa phương có số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học thấp nhất, đạt tỷ lệ 25,79%. Kế đó là Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn và Điện Biên.

Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (49,45%). Kế đó là phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT rồi mới tới nhiều phương thức xét tuyển còn lại.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, các thí sinh vẫn còn gặp một số sai sót ưu tiên trong quá trình đăng ký xét tuyển, như sai sót khu vực hay đối tượng ưu tiên (khai sai thông tin, điểm tiếp nhận rà soát chưa kỹ), đăng ký xét tuyển không đúng thời gian quy định, chọn không đúng nguồn dữ liệu xét tuyển.