Dân Việt

Chủ tịch Vietnam Airlines nói điều bất ngờ về lãi suất cho vay, muốn tăng vốn

Thế Anh 15/03/2024 10:45 GMT+7
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines đã có giải pháp tăng vốn điều lệ và mong Chính phủ, NHNN chỉ đạo các định chế tài chính để hỗ trợ phần tăng vốn này.

Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - HoSE: HVN) đã báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì.

Theo đó, ông Hoà thẳng thắn thừa nhận những khó khăn của ngành hàng không vừa trả qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Vietnam Airlines nói điều bất ngờ về lãi suất cho vay, muốn tăng vốn- Ảnh 1.

Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Ảnh: TA

Nói về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, ông Hoà cho rằng, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những giải pháp hết sức quyết liệt hỗ trợ cho các ngành chịu ảnh hưởng của Covid-19 như: Nghị định 31/2022/NĐ-CP, các Thông tư số 01, 02 của NHNN.

"Các giải pháp giúp ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình", ông Hoà khẳng định.

Nói về bản thân hãng hàng không Vietnam Airlines, ông Hoà nhấn mạnh: "Vietnam Airlines đã phục hồi khoảng 80 - 90% so với trước dịch năm 2019".

"Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Vietnam Airlines tiến tới mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở lại các đường bay cũ cũng như mở các đường bay mới, đặc biệt những đường bay xuyên lục địa", ông Hoà nói về kế hoạch phát triển trong thời gian tới.

Theo ông Hòa, ngành hàng không bị ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề chính trị, đặc biệt là vấn đề Trung Đông cũng như là Nga và Ukraine làm cho chi phí tăng lên rất cao.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines quyết tâm phấn đấu mở rộng mảng bay, cân đối thu chi, hoặc tiệm cận được cân đối thu chi vào năm 2024.

Ông Hoà cũng đưa ra một vài kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gồm: Thứ nhất, lãi suất hiện tại vẫn cao và rất khó tiếp cận. Vietnam Airlines mong muốn có thể hỗ trợ được lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Thứ hai, Vietnam Airlines có độ nhạy lớn với tỷ giá, tỷ giá tăng 1% thì doanh nghiệp mất 300 tỷ đồng, nếu mà tăng 5% thì chi phí một năm tăng lên 1.500 tỷ đồng. Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.

Thứ ba, Vietnam Airlines kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp

Thứ bốn, trong Đề án tái cơ cấu, Vietnam Airlines có giải pháp tăng vốn điều lệ nên mong Chính phủ, NHNN chỉ đạo các định chế tài chính để hỗ trợ phần tăng vốn này.

Báo cáo tài chính của Vietnam Airlines cho thấy, năm 2023, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 5.516,8 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 4 thua lỗ liên tục.

Tại ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của Vietnam Airlines là 57.616,6 tỷ đồng. Tài sản trên được hình thành từ 74.561,7 tỷ đồng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu âm 16.945,1 tỷ đồng.

Với việc âm vốn chủ sở hữu và kinh doanh thua lỗ liên tục 4 năm liên tiếp, cổ phiếu Vietnam Airlines đối mặt nguy cơ hủy niêm yết theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, vào tháng 1/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bắt đầu lấy ý kiến để sửa đổi luật này, trong đó có bổ sung nội dung về việc hủy niêm yết bắt buộc: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".