Nhắc đến phụ nữ thời phong kiến là chúng ta nghĩ ngay đến địa vị vô cùng thấp kém của họ. Lấy chồng thì phải theo chồng, một lòng hướng về nhà chồng. Chồng mất, bản thân phải giữ gìn phẩm hạnh, tòng phu đến cuối đời, ở vậy nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ chồng.
Song không phải phụ nữ ở thời phong kiến nào cũng bị tù túng như vậy. Vào thời nhà Tống (Trung Quốc), phụ nữ thậm chí còn được tái hôn, hưởng đủ loại đối xử công bằng không thua đàn ông.
Nhà Tống không phân biệt đối xử với phụ nữ tái hôn
Vào thời nhà Tống, không chỉ chồng mới có thể ly dị vợ mà vợ cũng có thể ly dị chồng.
Có rất nhiều vụ ly hôn của phụ nữ thời Bắc Tống được ghi lại trong các tài liệu lịch sử, có một câu chuyện như vậy: Vợ của Tào Vịnh thị lang, họ Lịch, là con gái của một gia đình giàu có ở vùng Dư Diêu thuộc Chiết Giang, đầu tiên cô kết hôn với một tú tài. Cô không hòa hợp với chồng, sau đó ly hôn rồi cưới Tào Vịnh.
Đây là một trường hợp bất hòa tình cảm và chia tay trong hòa bình giữa hai vợ chồng.
Ngoài ra còn có "Chương Nguyên Bật Khuynh hơi xấu xí nhưng ham học, cưới vợ Trần thị vô cùng xinh đẹp. Kết hôn chưa được bao lâu, Trần thị tự lên tiếng muốn chia tay với chồng".
Tức là người vợ không ưa chồng mình xấu xí, bỏ bê mình vì nghiện đọc sách. Sau khi bàn bạc với nhau, hai bên quyết định ly hôn.
Thậm chí còn có: "Trịnh Thân, người kinh thành, nhà nghèo vô cùng, vợ bỏ đi tìm người khác".
Nguyên nhân là do người vợ không thích sự nghèo khó của chồng nên đã chủ động đòi ly hôn.
Hơn nữa, nhà Tống còn có sự bảo hộ đặc biệt đối với phụ nữ:
- "Nếu người vợ không thể tự nuôi sống bản thân thì được phép thay đổi địa vị". Nếu chồng không cấp dưỡng được cho vợ thì vợ có quyền yêu cầu ly hôn.
- "Chồng đi ba năm không về, vợ có quyền lấy chồng khác". Nếu chồng đi ba năm mà vợ không nhận được tin tức thì cô có quyền tái giá.
- "Nếu bị họ hàng nhà chồng hạo hành và cưỡng hiếp, dù chuyện chưa thành mà vợ muốn bỏ đi thì không ai có quyền ngăn cản". Người nhà chồng trơ tráo tìm cách bạo hành vợ, vợ cũng có quyền nộp đơn xin ly hôn.
Hôn nhân không hạnh phúc, đôi bên chia tay trong vui vẻ.
Thời nhà Tống không những không mang tư tưởng tiêu cực, mà còn dành nhiều sự hỗ trợ khác cho những người phụ nữ có dũng khí theo đuổi hạnh phúc.
Phạm Trọng Yêm (nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống), thể hiện trong cuốn "Nghĩa trang quy củ": "Nếu cưới một cô gái, phải trả 30 quan tiền; nếu tái hôn, sẽ phải trả 20 quan tiền". Hỗ trợ cho phụ nữ tái hôn tốt hơn hỗ trợ cho nam giới tái hôn. Qua đó có thể thấy, phụ nữ tái giá không hề bị hắt hủi, mà còn được trợ giúp.
Nếu sự hỗ trợ của chính quyền không đủ thì cũng có rất nhiều sự ủng hộ của người dân. Tục lệ của Hà Gian phủ thời Bắc Tống là đối với những phụ nữ đã ly hôn, "cha mẹ và anh em thường thuyết phục họ đổi đời", không giống như quan niệm "chết đói là chuyện nhỏ, nhưng mất trong trắng mới là chuyện lớn".
Trong "Tôn thị ký" do Khưu Tuấn thời nhà Tống viết, có một thiếu nữ Tôn thị, trải qua ba lần kết hôn và cuối cùng được phong là mệnh phụ - một danh xưng có địa vị thuộc về phụ nữ.
Về phong tục dân gian đời Tống, thời Bắc Tống rất cởi mở, thời Nam Tống không bảo thủ. Có rất nhiều ghi chép và tiểu thuyết từ thời nhà Tống có thể chứng minh rằng vào thời điểm đó, nhiều người ở tầng lớp trung lưu và hạ lưu sở hữu tình yêu tự do, không có quan niệm "sống chết là chuyện nhỏ, mất trong trắng là chuyện lớn".
Hơn nữa, trong tranh thời nhà Tống, trang phục của phụ nữ không hề bảo thủ, "kín cổng cao tường", thậm chí còn quyến rũ hơn ngày nay, để lộ một phần nội y, hơi hở ngực, mà không hề bị chỉ trích như những triều đại phong kiến khác.
Nhìn chung, địa vị của phụ nữ thời nhà Tống không những không thấp mà còn có một số quyền ngang bằng với nam giới như ly hôn, tranh chấp tài sản sau khi kết hôn… Trên thực tế, sự bảo vệ mà họ nhận được vẫn không được tốt như phụ nữ trong xã hội ngày nay.