Dân Việt

Diễn đàn báo chí toàn quốc: Làm gì để tránh "đồng phục" thông tin?

Bạch Dương 15/03/2024 18:14 GMT+7
Chiều 15/3, tại Diễn đàn báo chí toàn quốc đã diễn ra các phiên thảo luận, trong đó có phần thảo luận về nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí.
Diễn đàn báo chí toàn quốc: Làm gì để tránh

Thảo luận về tính Đảng, tính định hướng trong báo chí chiều 15/3. Ảnh: B.D

Tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí được xem là nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, từ thực tế báo chí hiện nay, vấn đề đặt ra là báo chí phải nâng cao chất lượng nội dung ra sao, mấu chốt để duy trì vị thế vai trò chủ lực báo chí của Đảng là gì? Sự thống nhất trong đa dạng, bản sắc, phong phú như thế nào để tránh được tình trạng "đồng phục" thông tin?

Theo ông Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, báo chí là chủ thể phản ánh đời sống xã hội, khơi nguồn, tạo ra dư luận xã hội và do đó, có vai trò không thể thay thế trong định hướng dư luận xã hội. Báo chí định hướng thông tin là định hướng dư luận xã hội bằng thông tin và định hướng việc tiếp nhận thông tin cho công chúng. Đây là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của những người làm báo, đặc biệt với những người làm báo Đảng.

Nhấn mạnh thêm về vai trò định hướng của báo chí, bà Tuyết Chinh, Giám đốc Đài PTTH Phú Thọ đưa ví dụ về việc Đài đưa thông tin chính thống để đánh tan những thông tin, dư luận sai lệch lan truyền trong người dân, khôi phục lại niềm tin và cảm giác an toàn cho người dân trên địa bàn.

Ông Ngô Minh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng nhấn mạnh, thông tin trên báo chí không chỉ là giúp cho đối tượng bạn đọc hiểu biết chủ trương, đường lối của Đảng, mà quan trọng hơn, là giúp cho đối tượng đọc của mình hiểu đúng bản chất sự việc của chủ trương, đường lối đó. Tính định hướng là yêu cầu có tính nguyên tắc, là chức năng, nhiệm vụ cơ bản, đồng thời là sinh mệnh chính trị của báo chí ở Việt Nam.

"Sẽ là phiến diện nếu quan niệm định hướng chỉ là truyền đạt, chuyển tải "ý kiến chỉ đạo" của cấp trên xuống cấp dưới. Định hướng đúng nghĩa phải là cung cấp thông tin đầy đủ, chân thực, góp phần xây dựng niềm tin (có căn cứ) và hành động (chủ động, tự giác) cho đối tượng. Định hướng do đó không thể chỉ là một chiều từ trên xuống, mà còn từ dưới lên, từ thực tiễn (đang được nhận thức) đối với cả trên lẫn dưới. Không "định hướng" gò ép, "đẽo chân cho vừa giày" khi có sự vênh nhau giữa chủ trương và thực tiễn, giữa nói và làm, giữa bức tranh được vẽ ra và cuộc sống thực", ông Tuấn nhấn mạnh.

Vì thế, theo ông Tuấn, tính định hướng cần đặt trong mối quan hệ hữu cơ với tính hấp dẫn mới tăng được hiệu quả định hướng. Tính định hướng không làm cho báo chí giảm tính hấp dẫn, mà trái lại, nếu làm tốt việc định hướng thì sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của báo chí.

Diễn đàn báo chí toàn quốc: Làm gì để tránh

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại Hội báo toàn quốc 2024. Ảnh: P.V

"Một tờ báo hay tạp chí nếu gặp đâu viết đấy, chạy theo thị hiếu tầm thường thì không chỉ bị cơ quan chủ quản tuýt còi, mà bạn đọc chân chính cũng không chấp nhận", ông Tuấn khẳng định. Mặt khác, cần tránh lối viết theo kiểu "báo cáo hóa", "hướng dẫn hóa" các hoạt động chuyên môn của bộ, ngành một cách xơ cứng vì bạn đọc sẽ tẩy chay. Do vậy, muốn nâng cao tính định hướng, cần phải nâng cao tính hấp dẫn của báo chí, cũng tránh được việc "đồng phục" thông tin.

Tính định hướng và tính hấp dẫn của báo chí có quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Tính định hướng càng đúng, càng sâu sắc, được thể hiện càng sinh động, khoa học thì tính hấp dẫn càng mạnh, sức cuốn hút càng cao. Vì vậy, tính hấp dẫn có thể nằm ngay trong nội dung định hướng, ngay trong cách định hướng của báo chí và ngược lại, tính định hướng của báo chí có thể được thể hiện thông qua tính hấp dẫn, cách tìm tòi, cách thể hiện, cách tiếp cận, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng.