Dân Việt

Không tuân thủ điều trị, người đái tháo đường gặp biến chứng nguy hiểm

Diệu Linh 17/03/2024 06:06 GMT+7
Nhiều bệnh nhân đái tháo đường không tuân thủ điều trị dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nghiêm trọng.

Bác sĩ Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, thời gian gần đây, khoa Điều trị tích cực luôn trong tình trạng quá tải. Số ca nhập viện cấp cứu do biến chứng nặng tăng lên so với cùng kỳ các năm trước.

Trong đó, đa phần là các bệnh nhân lớn tuổi đái tháo đường lâu năm mắc phải một bệnh nhiễm trùng, thông thường là viêm đường hô hấp (do thời tiết lạnh) và viêm đường tiết niệu (do vi khuẩn) hoặc là biến chứng bàn chân (do bệnh nhân biến chứng bàn chân mất cảm giác ở bàn chân nên bị vật lạ xâm nhập mà không phát hiện ra). 

Không tuân thủ điều trị, người đái tháo đường gặp biến chứng nguy hiểm- Ảnh 1.

Cụ thể như bệnh nhân T.M.T (85 tuổi, trú tại Cầu Giấy – Hà Nội) có tiền sử đái tháo đường hơn 10 năm, tai biến mạch máu não đã 3 lần.

Mới đây, bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng loét vị trí tỳ đè vùng cùng cụt, vùng mông 2 bên, vết thương lan rộng, hoại tử, chảy dịch mủ nhiều. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra khi người bị đái tháo đường không kiểm soát được mức đường huyết trong máu.

Theo các bác sĩ, đái tháo đường là bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài và phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ cũng như thói quen ăn uống, sinh hoạt. 

Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân đã chủ quan, lơi là trong việc điều trị, không uống thuốc đúng khuyến cáo của bác sĩ. Trong việc ăn uống, sinh hoạt cũng không kiêng khem. Chính vì vậy, người bệnh đái tháo đường không kiểm soát được mức đường huyết trong máu, dẫn đến các biến chứng khó lường. 

Bác sĩ Phan Thị Minh Tâm, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai  cũng khẳng định cần tăng tuân thủ trong điều kiện điều trị đái tháo đường. 

"Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. 

Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược cơ quan. Đái tháo đường được nhiều người biết đến ở dạng đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ.

Ở Việt Nam, số người bị tiền đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều người bị đái tháo đường nhưng không hề biết mình mắc bệnh, cho tới khi xuất hiện các biến chứng nặng trên tim, mắt, thận, thần kinh... 

Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc...", bác sĩ Tâm phân tích. 

Theo bác sĩ Tâm, qua quá trình điều trị cho thấy, dưới 50% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 không đạt được mức kiểm soát đường huyết đầy đủ. 

Một trong những nguyên nhân này là việc tuân thủ dùng thuốc kém. Theo một nghiên cứu gần đây, 20 đến 30% đơn thuốc của bệnh nhân đái tháo đường không bao giờ được mua đầy đủ và khoảng 50% số thuốc điều trị bệnh mãn tính không được dùng theo chỉ định. 

"Việc không tuân thủ điều trị bệnh đái tháo đường có thể liên quan đến chế độ ăn kiêng, tập thể dục, lối sống, thuốc men, tái khám và tự theo dõi. 

Từ việc kém tuân thủ điều trị dẫn đến việc kiểm soát đường huyết không đầy đủ. Hệ lụy là tăng tỷ lệ mắc bệnh và tăng nguy cơ tử vong; tăng chi phí chăm sóc bệnh nhân ngoại trú, tăng tỷ lệ nhập viện và quản lý các biến chứng của bệnh…", bác sĩ Tâm chia sẻ. 

Bác sĩ Tâm cũng cho biết, nếu các bệnh nhân tuân thủ điều trị thì tỷ lệ tử vong chung giảm 32% và giảm 17% nhập viện mọi nguyên nhân. 

"Rào cản của việc không tuân thủ hoặc kém tuân thủ điều trị của các bệnh nhân đái tháo đường có nhiều nguyên nhân. Một trong số những nguyên nhân chính là vấn đề tài chính, do chưa nhận thức hết nguy cơ và do đãng trí, quên uống thuốc", bác sĩ Tâm nói. 

Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Tâm cho biết, nhân viên y tế cần giao tiếp cởi mở và nâng cao kiến thức về đái tháo đường cho bệnh nhân để họ hiểu về bệnh và hiểu tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị. 

"Tuân thủ điều trị tốt hơn giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn, góp phần ngăn ngừa các biến chứng sớm cũng như các biến chứng lâu dài, giảm chi phí chăm sóc sức khoẻ và sử dụng nguồn lực; 

Cải thiện việc tuân thủ dùng thuốc cũng góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường…", bác sĩ Tâm khẳng định.