Theo ThS.BS CKII Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), để xác định nguyên nhân suy thận mạn ở người trẻ hiện nay là rất khó. Vì các bệnh nhân tới khoa đã phải lọc máu. Khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp sinh viên, học sinh, người lao động còn rất trẻ đã suy thận mạn mà không có bệnh lý kèm theo.
Điển hình đó là trường hợp của bệnh nhân N.V.D (22 tuổi, sinh viên đại học năm cuối). Khi tới lọc máu, bệnh nhân D chia sẻ, năm cuối phải học nhiều nên thường thức khuya, dậy sớm. Bệnh nhân cho biết trước đó rất khoẻ mạnh, ăn uống khoa học và chăm thể thao. Vào tháng 2/2023, D thấy cơ thể uể oải, chán ăn, mờ mắt, không có tinh thần, đi khám thì phát hiện suy thận giai đoạn cuối.
Qua khám toàn thân bệnh nhân D không phát hiện bệnh lý kèm theo. Bệnh nhân chỉ mệt mỏi nhiều. Sau khi phát hiện suy thận giai đoạn cuối, D đã quyết định bảo lưu kết quả học tập để điều trị chạy thận. Khi sức khoẻ ổn định, em sẽ quay trở lại hoàn thành chương trình học.
Ngoài trường hợp như D, có cô gái trẻ tên H (27 tuổi) đang chuẩn bị làm đám cưới. Trong một lần tình cờ đi khám sức khoẻ định kỳ của nhà máy (H là công nhân), H được phát hiện bị thiếu máu. H được tư vấn tới Viện huyết học trung ương khám chuyên sâu. Tại đây, H được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối.
Bác sĩ Quốc cho hay, với trường hợp của D và H, khi tới viện thận đã xơ hoá nên không thể sinh thiết tìm nguyên nhân. Nếu như ngày trước suy thận mạn gặp ở người trẻ thường do viêm cầu thận thì hiện nay, người trẻ phát hiện suy thận rất tình cờ, chỉ mệt mỏi đã suy thận mạn.
"Có rất nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới việc suy giảm chức năng thận ở người trẻ, ví như ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn có chứa chất bảo quản gây hại cho thận. Hoặc học tập, làm việc quá nhiều, lười vận động, gây hạn chế quá trình chuyển hoá trong cơ thể. Đây cũng là một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới thận", bác sĩ Quốc chia sẻ.
Ngoài ra, vấn đề căng thẳng, stress cũng là một trong những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, trong đó có thận. Đối với người lớn tuổi thì bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây suy giảm chức năng thận.
Trưởng khoa Thận nhân tạo cho hay, bệnh thận mạn tính diễn biến rất âm thầm ở giai đoạn đầu, mọi người dễ bỏ qua các triệu chứng cảnh báo bệnh, không theo dõi. Triệu chứng gặp ở người suy thận mạn giai đoạn sớm là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Nhưng mọi người thường bỏ qua các triệu chứng này và tự mua thuốc điều trị tại nhà.
Khi bệnh tiến triển giai đoạn cuối, các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi sẽ xuất hiện với tần suất dày, tự dùng thuốc uống sẽ không hiệu quả. Bệnh nhân khi đi khám thận đã suy giai đoạn cuối.
"Do suy thận mạn ở giai đoạn sớm không có triệu chứng điển hình, dễ nhầm lẫn với bệnh khác, để phát hiện sớm bệnh cách duy nhất là đi khám. Xét nghiệm nước tiểu, siêu âm hình thái thận có thể phát hiện ra được bất thường của chức năng thận",bác sĩ Quốc nhấn mạnh.
Suy thận mạn sẽ gặp ở người có yếu tố nguy cơ cao, ví như gia đình có người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, mắc bệnh thận. Những đối tượng này nên đi khám sức khoẻ định kỳ. Hoặc khi có triệu chứng bất thường kéo dài vài ngày thì nên đi khám để loại trừ nguy cơ suy thận mạn và các căn bệnh khác.
Bác sĩ Quốc cũng cảnh báo, học sinh, sinh viên thì thường xuyên thức đêm, không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Những người đã tốt nghiệp thì lại làm việc gắng sức để kiếm tiền.
"Đặc biệt, giới trẻ hiện nay còn thường xuyên dùng nhiều đồ ăn nhanh, ít vận động... Tất cả những điều trên đều ảnh hưởng đến chức năng của thận. Mọi người đừng bán rẻ sức khỏe để kiếm tiền bằng mọi giá, hãy sống chậm lại, dành nhiều thời gian chăm lo cho sức khỏe hơn nữa", bác sĩ Quốc nói thêm.