Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Một tháng của một đời người

Phạm Xuân Nguyên 20/03/2024 11:51 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn tiểu thuyết "Hà Nội mùa nắng hanh vàng" của tác giả Nguyễn Thanh Tùng.
Đọc sách cùng bạn: Một tháng của một đời người- Ảnh 1.

Cuốn tiểu thuyết "Hà Nội mùa nắng hanh vàng" của tác giả Nguyễn Thanh Tùng. (Ảnh: TL)

Đây là tác phẩm viết về một nhân vật có thật của Hà Nội. Đó là bác sĩ Trần Văn Lai (1894 – 1975), vị Đốc lý Hà Nội chỉ trong một tháng năm 1945. Xin nhắc lại một chút lịch sử. Sau 80 năm đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã bị phát xít Nhật hất cẳng bằng cuộc đảo chính ngày 9/3/1945. Sau khi chấm dứt sự chiếm đóng của Pháp, Nhật Bản đã "trao trả độc lập" cho Đế quốc Việt Nam. Ông vua Bảo Đại của triều đình Huế đã mời học giả Trần Trọng Kim đứng ra lập Chính phủ (4/1945) để điều hành đất nước. Và bác sĩ Trần Văn Lai đã được Chính phủ Trần Trọng Kim chọn và nhà vua chuẩn y vào chức Đốc lý (tương đương Thị trưởng) Thành phố Hà Nội (7/1945). Đến tháng 8/1945 cả ông Thủ tướng và ông Đốc lý đều phải chấm dứt vai trò lịch sử khi Việt Minh giành chính quyền về tay mình.

HÀ NỘI MÙA NẮNG HANH VÀNG

Tác giả: Nguyễn Thanh Tùng

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2024

Số trang: 302 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 500

Giá bán: 120.000đ

Bác sĩ Trần Văn Lai chỉ ngồi ghế Đốc lý Hà Nội một tháng, đúng ra là chưa đầy một tháng, trong một hoàn cảnh lịch sử đầy biến động nhưng ông đã kịp làm hai việc quan trọng: thay tiếng Pháp bằng tiếng Việt trong các văn bản hành chính và thay tên Pháp bằng tên Việt cho các địa danh, đường phố. Ông đã cho đổi Vòng xoay Puginier (Rond-Point Puginier) thành Quảng trường Ba Đình, phố Garnier thành phố Đinh Tuyên Hoàng, phố Carnot thành phố Phan Đình Phùng, phố Gambetta thành phố Trần Hưng Đạo… Những việc làm này nói lên tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của ông.

Cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Tùng là kể về một tháng lịch sử của con người lịch sử đó. Một tháng của một đời người. Tác giả đã để cho nhân vật ông Đốc lý Trần Văn Lai thông qua những câu chuyện trò trao đổi với người thư ký của mình – thầy ký Thiện (một nhân vật hư cấu nhưng có thể cũng dựa trên một nguyên mẫu) – để bộc bạch những suy tư, trăn trở về cách "thoái Pháp – thoát Trung" trong văn hoá, giáo dục. "Thầy ký phải biết tận dụng mọi khả năng có thể có để thâm nhập vào tận sâu trong tâm hồn trí óc người dân thành phố Hà Nội. Khắc ghi trong đáy lòng mỗi người dân một tinh thần Tự Tin Tự Chủ. Tạo nên bầu không khí Tự Tôn Dân Tộc chống thực dân đế quốc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có như vậy công cuộc tái thiết đất nước sẽ thuận lợi ngay khi cuộc chiến tranh thế giới kết thúc." (tr. 91).

Tác giả mô tả một cuộc họp tại nghị trường của các vị dân biểu và giới giáo chức trong thành phố bàn việc đổi mới giáo dục bắt đầu bằng việc thay toàn bộ sách giáo khoa trong các bậc học. Tại đây nhân vật Đốc Lý Trần Văn Lai đã nói lên quan điểm tâm huyết của mình: "Trước mặt tôi đây, các quý vị là những bậc hiền tài của đất nước, chắc chắn các quý vị phải biết việc làm của các quý vị hôm nay không phải là một cuộc giải phẫu cách tân trong giảng dạy. Các vị đang làm một cuộc Cách Mạng Giáo Dục. Công cuộc Cách Mạng Giáo Dục này cho một thế hệ mới thay cho nền giáo dục thực dân bảo hộ và xoá bỏ lối giáo dưỡng giáo điều Nho giáo bảo thủ phong kiến lạc hậu. Dân tộc Việt Nam ta đã bị đè nén kìm hãm trong nghìn năm giáo dưỡng làm chư hầu của thiên triều phương Bắc. Mấy mươi năm là thuộc địa thực dân bảo hộ. Làm mới sách giáo khoa Quốc Ngữ không chỉ để dạy chữ. Các quý vị làm sách giáo khoa Quốc Ngữ còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn nữa. Y nghĩa lớn lao chưa từng có trong nền giáo dục của quốc gia Việt Nam ta. Đó chính là giải phóng tinh thần cho môn sinh hậu thế của chúng ta mang một tinh thần Tự Trọng – Tự Tôn – Tự Lập – Tự Cường của một dân tộc có lịch sử nghìn năm văn hiến văn minh." (tr. 225).

Trong một cuộc trò chuyện của hai thầy trò Đốc lý – thầy Ký sau một cuộc họp bàn cải tạo Văn Miếu – Quốc tử Giám tác giả đã để cho người đứng đầu thành phố nói về ba phẩm chất cao cả quý báu của người Tràng An. Thứ nhất, "người Tràng An không lấy sự học để làm 'Quan Quỳ". Thứ hai, "người Tràng An khiêm nhường kín đáo, không cầu danh nên không cầu thân". Thứ ba, "người Tràng An không bao giờ cúi đầu trước cường quyền ác bá." Ở đây tác giả cho nhân vật đối lập "người Tràng An" và "người ngụ cư" như xót xa cho "cái danh bản Trường An" không còn ai nhắc tới và cũng như muốn nhắc nhở cho bây giờ. "Để được thành người Tràng An, người ngụ cư Hà Nội phải thực sự cầu tiến, tu chí mình một lòng một dạ kiên định và ý thức rất mạnh mẽ mới thấm nhuần được đạo lý đạo đức chuẩn mực thấm đẫm những giá trị cao vợi mới có thể Sống Như Thế, Chơi Như Thế và Lao Động Sáng Tạo như Thế…" (tr. 258) Đặt vào miệng ông Đốc lý Hà Nội những lời này tác giả như muốn người đọc suy nghĩ chia sẻ, và có thể tranh luận nữa, cùng nhân vật và cùng mình.

Một tháng ở ghế Đốc lý Hà Nội của bác sĩ Trần Văn Lai trong tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Tùng kết thúc sau khi ông chứng kiến cuộc mít tinh chiều 17/8/1945 do ông tổ chức cho hội đoàn Giáo chức và Công chức thành phố tại Nhà Hát Lớn để phát động phong trào Thoát Trung đã biến thành cuộc biểu dương lực lượng của mặt trận Việt Minh. Ông biết thời cuộc đã xoay vần và sứ mệnh của mình đã hết. Ông chấp nhận lịch sử. "Chỉ trong mười ngày. Tôi đã làm được những gì tôi nung nấu bao năm qua rồi. Đó là điều tôi sung sướng nhất, tự thân không ân hận gì. Những ngày còn lại là những gì tôi chưa làm được." (tr. 293). Đầu tác phẩm là ông tự hào tiếp nhận Toà Thị Chính từ tay chính quyền Nhật. Cuối tác phẩm là ông bình tĩnh chờ đón đại diện Việt Minh đến bàn giao Toà Thị Chính. Tác giả thể hiện nỗi niềm của nhân vật trong khoảnh khắc bi tráng này: "Đôi mắt chợt sáng bừng mở rộng, ông nhìn thấu vào chiếc bản đồ Hà Nội xưa cũ treo trên tường như đánh dấu một quãng thời gian ngắn ngủi đã qua. Một thành phố mới bắt đầu từ thắng lợi của chính những con người biết yêu mảnh đất này hay một sự nghiệp không bao giờ hoàn thành của ông. Ngay giữa đỉnh đầu một câu hỏi còn nặng hơn cả thân xác ông đang hối thúc bắt ông phải trả lời một câu thoả đáng với người đời: Ông đã làm gì để bảo đảm những thành công trong cuộc cách mạng Văn Hoá ở thành phố này tồn tại mãi mãi đây?" (tr. 295-296) Phần mở đầu và vĩ thanh của tác phẩm cho thấy số phận về sau của thầy ký Thiện và bà Phượng – người trợ thủ, chánh văn phòng của ông Đốc lý. Hiện nay ở Hà Nội đã có một con phố mang tên Trần Văn Lai tại quận Nam Từ Liêm.

Tiểu thuyết "Hà Nội mùa nắng hanh vàng" là tác phẩm thứ tư của Nguyễn Thanh Tùng, một cựu chiến binh thời chống Mỹ. Tác giả bằng lòng yêu mến nhân vật lịch sử đã cố gắng thể hiện nhân vật văn học trong chiều sâu những suy tư khát vọng về văn hoá dân tộc được bộc lộ chủ yếu qua đối thoại. Nắng hanh vàng chỉ riêng có ở Hà Nội mùa thu. Bác sĩ Trần Văn Lai là ánh nắng hanh vàng ấy, người trong chưa đầy một tháng, đã tạo nên lịch sử cho Hà Nội. Một lần và lâu dài.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội, ngày 20/3/2024