Sau cao điểm Tết Nguyên đán 2024, giá vé máy bay có phần hạ nhiệt, không còn cảnh khan hiếm, cháy vé trên một số trục bay vàng từ TP.HCM kết nối các địa phương như Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng… Tuy nhiên, sau khi tăng giá trần từ 1/3, vé máy bay lại bắt đầu tăng nhiệt.
Ngày 20/3, khảo sát trang bán vé của các hãng, vé máy bay nhiều chặng bay vẫn neo ở mức cao dù đang trong giai đoạn thấp điểm. Đáng chú ý, có đường bay còn cực kì khan hiếm vé, nhiều ngày liền cháy vé không khác gì dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Đơn cử, vé máy bay từ TP.HCM đi Phú Quốc của các hãng Vietjet và Vietnam Airlines giai đoạn cuối tháng 3 đang có giá lần lượt khoảng 1,7 – 1,9 triệu cho hạng vé phổ thông (Eco). Trong khi đó, vé thương gia chặng bay này ở mức 3,5 – 4,3 triệu đồng.
Cùng thời gian trên, đường bay TP.HCM – Hải Phòng của hãng Vietnam Airlines đang có giá từ 2,7 – 3,7 triệu cho hạng vé phổ thông và 4,6 – 5,5 triệu cho hạng vé thương gia. Đường bay này đang được hãng Vietjet bán vé với mức giá 1,8 – 2,5 triệu cho hạng vé Eco và 5 triệu cho hạng vé Skyboss.
Đáng chú ý, đường bay TP.HCM – Vân Đồn lại vô cùng khan hiếm vé máy bay. Hiện tại, trang bán vé của hãng hàng không Vietnam Airlines trong giai đoạn nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2024 chỉ có 1 số ít ngày là còn vé. Tuy nhiên, trong các ngày còn vé này, hãng chỉ khai thác đúng duy nhất 1 chuyến bay với giá hơn 1,7 triệu cho hạng phổ thông và hơn 4 triệu đồng cho hạng phổ thông.
Giá vé máy bay được đánh giá đang ở mức rất cao dù ngay giai đoạn thấp điểm. Bên cạnh đó, một số người thường xuyên di chuyển bằng máy bay cho biết so với giai đoạn cuối tháng 2/2024 thì vé máy bay trong tháng 3/2024 đã tăng lên vài trăm ngàn đồng/chặng khứ hồi đối với một số đường bay.
Vé máy bay nội địa đắt đỏ ảnh hưởng đến ngành du lịch
Việc giá vé máy bay đắt đỏ nhất khiến nhiều người lao động, công nhân lo lắng sẽ ngày càng khó tiếp cận, sử dụng phương tiện này để di chuyển.Nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều nhà máy, xí nghiệp cắt giảm nhân sự, giảm lương…
Anh N.Đ.S (41 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết cách đây mấy hôm mình có nhu cầu đi từ TP.HCM ra Quảng Ninh nhưng cả hai sân bay của Hải Phòng và Quảng Ninh đều "cháy" vé. Phải chờ mãi, anh S mới mua được vé đi Hải Phòng với giá vé gần 4 triệu/vé/chặng.
"Điều đáng nói, dù đắt đỏ vậy nhưng khách phải đi máy bay tệ hơn các hãng hàng không giá rẻ khi mà chỗ để chân rất chật, ghế thì không ngã được ra sau. Máy bay cũng là thuê tạm bợ của một hãng hàng không chuyên cho thuê máy bay của nước ngoài chứ không phải máy bay của hãng", anh S cho hay.
Được biết, từ đầu tháng 3/2024, giá trần vé máy bay chính thức tăng. Theo đó, Thông tư số 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, giá vé máy bay phổ thông nội địa sẽ tăng trung bình từ 3,75-6,67%, có đường bay tăng lên 4 triệu đồng/vé một chiều. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/3.
Như vậy, với đường bay nội địa, vé máy bay có giá cao nhất lên đến 4 triệu đồng (chưa bao gồm thuế, phí). Theo đại diện một số hãng hàng không, việc điều chỉnh trần giá vé máy bay nội tạo điều kiện để cho các hãng hàng không có thể bù đắp được chi phí đã thay đổi trong suốt gần 10 năm qua. Việc điều chỉnh giá trần là cơ hội để các hãng hàng không tiếp tục điều chỉnh dải giá vé của mình trên hệ thống các đường bay nội địa.
Theo các chuyên gia hàng không, giá vé máy bay được mở bán dựa trên quy luật cung – cầu và theo dự báo thị trường. Vé sẽ được mở bán nhiều dải từ thấp đến cao và không vượt quá giá trần quy định. Việc tăng giá trần sẽ giúp các hãng linh động trong việc đưa ra các mức giá khác nhau. Có khả năng là trong giai đoạn cao điểm, giá vé sẽ được mở bán với giá cao do nhu cầu đi lại của người dân tăng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc giá máy bay đắt đỏ sau khi tăng giá trần sẽ làm ảnh hưởng đến ngành du lịch. Một số đại lý cho biết họ đang đứng trước nguy cơ ế ẩm do giá tour tăng cao vì chi phí đi lại tăng nên khó tiếp cận khách hàng.
Ngoài ra, giá vé máy bay nội địa quá cao nên thay vì đi du lịch trong nước, người dân sẽ chọn đi nước ngoài hơn và giá vé cũng rẻ hơn, nhất là các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… Từ đó ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, dịch vụ trong nước.