Chiều 20/3, TAND TP.HCM tiếp tục tổ chức phiên xét xử vụ Vạn Thịnh Phát. Sau khi nghe các luật sư bào chữa cho mình, bị cáo Trương Mỹ Lan được Hội đồng xét xử (HĐXX) mời lên bục để tự bào chữa bổ sung cho bản thân. Bị cáo Lan bày tỏ: “Tôi đau xót khi Viện kiểm sát (VKS) nói mình khăng khăng chối tội những ngày qua…”.
Theo bị cáo Lan, bị cáo đã khai bản thân cảm thấy có trách nhiệm, khi tham gia tái cơ cấu SCB, làm các nhân viên SCB vô tình phạm tội. Bị cáo Lan khẳng định sẽ cùng anh em SCB chịu trách nhiệm.
Trước đó, theo nhận định của VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng.
Tuy nhiên, VKS cho rằng bị cáo Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ngoan cố, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, không ăn năn hối cải.
Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn. Từ đó, đại diện VKS cho rằng cần loại trừ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn.
Về khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo Lan nêu giai đoạn bị tạm giam "trái tim vẫn rỉ máu để SCB hoạt động bình thường, đề nghị luật sư liên hệ với các nhà đầu tư tiếp tục tham gia tái cơ cấu SCB, có điều họ nói phải gặp tôi".
Bị cáo Trương Mỹ Lan nhiều lần nhắc đến việc có tổ chức tài chính, nhà đầu tư sẽ tham gia vào khắc phục hậu quả vụ án thì HĐXX cắt ngang bị cáo và nhấn mạnh "nếu có HĐXX tạo điều kiện ngay, chỉ cần bị cáo nói HĐXX sẽ tạo điều kiện ngay".
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình cho 3 tội danh "tham ô tài sản", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "đưa hối lộ".
Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của SBC bằng hình thức lập các hồ sơ vay khống, có khi chỉ đạo rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau.
Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm của bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.
Đến năm 2022, nhóm của bị cáo Trương Mỹ Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Cơ quan tố tụng xác định, để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị phát hiện sai phạm, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty ma, sau đó thực hiện rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.