Phát biểu khai mạc hội thảo “Đẩy mạnh logistics và liên kết, phát triển Vùng Thủ đô”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Vùng Thủ đô được xác định sẽ trở thành vùng kinh tế tổng hợp lớn của Việt Nam. Đây là tiền đề và cũng là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển logistics của Vùng và kết nối trong Vùng, ngoài Vùng. Hà Nội ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao vào các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, du lịch, logistics...
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp đề xuất, thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn và trong cả nước, với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và các doanh nghiệp logistics trong nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại vùng. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực logistics để sẵn sàng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
TS Trịnh Thị Thanh Thủy, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng: Thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực logistics Vùng Thủ đô là điều tất yếu. Trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực thi các cam kết FTA và cam kết quốc tế liên quan khác, đòi hỏi chuyển đổi số lĩnh vực logistics phải thực hiện ở tất cả các khâu của chuỗi cung ứng...
Phát biểu khai mạc hội thảo “Doanh nghiệp với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết: Thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, Hà Nội vươn lên dẫn đầu cả nước trong việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ với gần 160 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, phấn đấu để đạt và vượt mục tiêu có tối thiểu 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được chứng nhận vào năm 2025.
Tại hội thảo, đại diện các viện, trường, các cơ sở ươm tạo với doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng, đổi mới, phát triển công nghệ, tạo kênh kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư.
Là doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiên phong trong nuôi trồng đông trùng hạ thảo, với kinh nghiệm 15 năm trong nghiên cứu và sản xuất, Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc luôn nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất nâng cao định chuẩn hàm lượng cordycepin để bào chế ra nhiều sản phẩm phù hợp hơn với người dùng. Hằng năm, Thiên Phúc dành 25-30% doanh thu thuần để đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc công ty cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học công nghệ tại các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ Mới Nhật Hải cho biết, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là vốn. Điều này đến từ việc không thể mang tài sản trí tuệ ra thế chấp ngân hàng, trong khi vốn vay ưu đãi rất khó tiếp cận. Ông kiến nghị, Hà Nội nên là địa phương tiên phong về Định giá sáng chế và thí điểm cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại Hà Nội được vay vốn nghiên cứu công nghệ từ Quỹ Khoa học và công nghệ Hà Nội với phương án tín chấp từ chính định giá bởi Hội đồng định giá Sáng chế.