Từ thông tin đó, PV Dân Việt đã vào cuộc tìm hiểu sự việc và ghi nhận phản ánh của nhiều tài xế là hoàn toàn có cơ sở.
Vào lúc gần 15 giờ ngày 20/3, trong vai một hành khách cần sử dụng dịch vụ taxi, PV Dân Việt gọi điện tới số điện thoại tổng đài của một hãng taxi tại Hoà Bình để đặt xe; khoảng hơn 3 phút sau, PV nhận được phản hồi xác định địa chỉ đón khách.
Theo quan sát, chiếc xe ô tô con mang BKS 28A-203… đến đón PV biển số màu trắng không phải màu vàng (biển xe kinh doanh dịch vụ vận tải). Bên cạnh đó, chiếc xe này cũng không biển hiệu taxi, tem mào, đồng hồ tính cước.
Trên đường di chuyển, PV hỏi tại sao xe không có biển hiệu taxi thì được tài xế trả lời rằng, đây là xe gia đình nên chỉ được đóng bộ đàm. Nếu muốn có biển hiệu taxi thì phải đổi sang biển vàng. Còn đối với đồng hồ tính cước thì dùng phần mềm trên điện thoại thông minh thay thiết bị đồng hồ gắn trên xe để tính tiền cho khách hàng.
Vị tài xế này cũng cho biết, anh hợp đồng với một hãng taxi, mỗi tháng nộp 1,5 triệu đồng. Mặt khác, taxi không biển hiệu, tem mào, biển trắng khi chở khách đi xa sẽ thuận tiện hơn.
"Khi xuống Hà Nội nhiều tuyến phố cấm xe taxi thì xe mình di chuyển sẽ không bị cấm", vị tài xế này ví dụ.
Tiếp đó, PV tiếp tục liên hệ 2 lần với tổng đài tổng đài để đặt xe đón tại Quốc lộ 6 thuộc phường Dân Chủ và đường Cù Chính Lan, tổ 4, phường Đồng Tiến.
Tương tự như lần trước, ít phút sau, lần lượt 2 xe con mang BKS 28A-167…; BKS 28A-168… Điều đáng nói, 2 chiếc xe này biển số đều màu trắng và không gắn biển hiệu taxi theo quy định.
Ở chiều ngược lại, trao đổi với PV, một tài xế taxi (xin giấu tên) xe có đầy đủ cũng biển hiệu taxi, tem mào, đồng hồ tính cước, biển màu vàng, cho biết: Theo quy định, kể cả hộ gia đình nếu đã kinh doanh vận tải bắt buộc phải đổi sang biển màu vàng.
Theo vị tài xế này, những xe mang logo taxi chưa đổi biển sang màu vàng, không có biển hiệu taxi vẫn chạy đón khách bình thường như taxi chính thống.
Trong vai một tài xế gia đình muốn ký hợp đồng với hãng taxi để kinh doanh, PV tiếp tục liên hệ đến tổng đài tìm gặp quản lý. Sau đó, PV được nhân viên tổng đài giới thiệu liên hệ với một người tên là T. – quản lý hãng taxi tại Hòa Bình qua số điện thoại …. 632 788.
Liên hệ với số điện thoại trên, PV được người đàn ông tên T. cho biết, làm hồ sơ xin việc bình thường và sang ký hợp đồng là được.
Trả lời câu hỏi của PV, có phải đổi biển trắng thành biển vàng không? Ông T. bảo: "Tại vì hiện giờ vẫn đang để 2 hình thức đấy. Nếu em muốn cung cấp đầy đủ và đổi biển vàng thì bọn anh sẽ cung cấp đầy đủ cho em là xe không mào nhưng phải có phù hiệu của nó, hợp tác xã. Còn kia là mình đang chạy lậu, đang thuê đàm, đang chạy lậu".
Trao đổi nhanh với PV về thông tin taxi "dù" đang hoạt động trên địa bàn, đại diện Phòng quản lý vận tải phương tiện, người lái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình cho biết, sẽ cho kiểm tra lại thông tin trên và phản hồi lại với PV.
"Taxi hoạt động bắt buộc phải có phù hiệu và đổi biển trắng sang biển vàng", đại diện Phòng quản lý vận tải phương tiện, người lái nói.
Chia sẻ với PV, đại diện một hãng taxi chính thống trên địa bàn thành phố Hòa Bình cho biết: "Taxi "dù" là loại hình kinh doanh trái pháp luật, gây thất thu thuế của Nhà nước, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh cho các doanh nghiệp taxi chính thống. Nếu là hộ gia đình hợp đồng với doanh nghiệp để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì phải đăng ký kinh doanh và xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô. Tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm nạn taxi "dù".
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại khoản 2, Điều 26, Thông tư 58/2020/TT-BCA, xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021.
Từ ngày 31/12/2021, tất cả các xe kinh doanh không đổi sang biển số vàng sẽ vi phạm lỗi "không thực hiện đúng quy định về biển số" quy định tại điểm đ, khoản 7, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Mức phạt đối với xe kinh doanh vận tải không thực hiện đúng quy định về biển số
Khoản 7, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt trong trường hợp xe kinh doanh vận tải không thực hiện đúng quy định về biển số như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân;
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức.
Theo khoản 4, Điều 28, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm d khoản 15 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Sử dụng xe taxi chở hành khách không gắn hộp đèn với chữ "TAXI" trên nóc xe hoặc không niêm yết cụm từ "XE TAXI" trên kính phía trước, kính phía sau xe theo quy định hoặc có gắn hộp đèn, có niêm yết cụm từ "XE TAXI" nhưng không cố định, không đúng kích thước, không làm bằng vật liệu phản quang theo quy định; không có hoặc có số điện thoại giao dịch ghi trên xe không đúng với đăng ký của doanh nghiệp (hợp tác xã).