Vấn đề này được đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề cập khi góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5, ngày 26/3.
Theo dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi trình tại hội nghị đại biểu chuyên trách sáng 26/3, các cơ quan, đơn vị tại Hà Nội được ký hợp đồng hoặc phân công chức vụ quản lý, điều hành với người có tài.
Người có tài được định nghĩa là có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành. Chế độ, chính sách đối với người tài do HĐND TP.Hà Nội quy định.
Góp ý về quy định thu hút, trọng dụng người có tài năng tại dự thảo luật, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho rằng, dự thảo luật còn mang tính quy phạm chính trị nhiều, chưa phải là văn bản pháp lý để thực hiện.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng có 3 cách để thu hút nhân tài là thi tuyển, tiến cử và tự tiến cử.
"Để trọng dụng người tài thì sở trường, năng lực nào bố trí công việc đấy, chứ không phải thu hút về xong để đấy, một người tài bố trí làm hành chính thì lãng phí. Bên cạnh đó là cơ hội thăng tiến, không thể để người tài ngồi dưới trướng người kém tài, ngồi dưới trướng người vô hạnh", ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Vân đề xuất, dự thảo luật cần ghi rõ những ưu đãi cho người tài về thuế, lương, y tế, giáo dục, nhà ở...
Đề cập vấn đề khen thưởng, kỷ luật, ông Lê Thanh Vân kiến nghị trong luật phải quy định khen thưởng những ai tuyển dụng, tiến cử người tài.
"Còn ai lạm dụng quy định để đưa người của mình, "4 C" (con cháu các cụ) vào thì kỷ luật cho nghiêm", ông Lê Thanh Vân nói.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần bổ sung một điều về tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND. Với đặc điểm, đặc thù của Hà Nội thì cần trao cho thành phố quyền tự tổ chức cơ quan chuyên môn. Còn khung cứng do Chính phủ quy định thì cho phép Hà Nội tổ chức cơ quan chuyên môn phù hợp điều kiện, đặc điểm của mình.
"Phần cứng" là cơ quan bắt buộc phải có theo quy định của Chính phủ như công an, quân đội, nội vụ, tư pháp. Còn cơ quan liên quan đến kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường thì giao cho thành phố toàn quyền quyết định theo tiêu chí của Chính phủ và Chính phủ chỉ giám sát, kiểm soát, quản lý tổ chức", ông Lê Thanh Vân nói thêm.
Vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài cho Thủ đô đã từng được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 khi thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, đây là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, đại biểu cho rằng cần trao quyền cho HĐND TP ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thu hút và trọng dụng nhân tài là một nội dung hết sức quan trọng, nếu làm tốt thì sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra.
Vị đại biểu đoàn Cần Thơ cho rằng, thực tiễn cho thấy không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. Vì vậy, chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Đồng thời cần làm rõ hơn khái niệm "nhân tài".
"Theo tôi, nhân tài không hẳn là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất và học vị cao nhất, mà là người phù hợp nhất với công việc, đạt được kết quả cao nhất với nhiệm vụ được giao, có tầm nhìn phát triển trong tương lai...", đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nói và đề nghị cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi "Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tổ chức vào tháng 5.