Sáng 29/3, gần 3.500 thí sinh chính thức tham gia kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức. Đây là đợt thi đầu tiên của kỳ thi này. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức 4 đợt thi khác trong tháng 4, 5 tại Long An, Đà Nẵng, Gia Lai và TP.HCM.
Theo ghi nhận, từ sáng sớm, các thí sinh đã có mặt tại điểm thi để kiểm tra thông tin, sơ đồ phòng thi. Rất đông thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Tiền Giang... Có em phải đi từ 3h sáng, cũng có em đi từ ngày hôm trước để đến TP.HCM chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này.
Về phía Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, đơn vị này đã bố trí khá nhiều cán bộ, nhân viên, sinh viên tình nguyện để hỗ trợ thí sinh từ ngoài cổng; hướng dẫn thí sinh sơ đồ phòng thi.
Giống các đợt thi năm trước, năm nay, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tiếp tục sử dụng máy quét để kiểm tra an ninh cho thí sinh, đảm bảo các em không mang theo điện thoại, thiết bị điện tử vào trong phòng thi.
Ngoài máy tính cầm tay và giấy tờ tùy thân, thí sinh không được mang theo bất cứ vật dụng nào khác. Thí sinh sẽ được phát giấy nháp, bút viết trong phòng thi, nộp lại khi rời khỏi phòng.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, 3.500 lượt thí sinh đã đăng ký 6 bài thi Toán học, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh. Đợt thi sẽ diễn ra trong 3 ngày 29, 30 và 31/3.
Về bài thi đánh giá năng lực Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, thí sinh sẽ phải thực hiện 35 câu trắc nghiệm khách quan, và 15 câu hỏi ở dạng trả lời ngắn. Thời gian làm bài là 90 phút.
Bài thi đánh giá năng lực môn Ngữ văn gồm 20 câu trắc nghiệm khách quan và 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội, với thời gian làm bài 90 phút.
Đối với môn Tiếng Anh, thí sinh sẽ có 180 phút làm bài. Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Các nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Trong đó, phần nội dung kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%.
Kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt được sử dụng trong phương thức xét tuyển kết hợp với kết quả học tập THPT, và chiếm tối đa 30% chỉ tiêu của từng ngành.
Điểm xét tuyển được xác định là tổng điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (môn chính) được nhân hệ số 2, cộng với điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp điểm trung bình môn trong 6 học kỳ ở THPT.
Tổng điểm này được quy đổi về thang điểm 30, cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GDĐT và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm. Theo đó, các học sinh lớp 11 có thể đăng ký dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển cho năm sau đó. Kết quả của đợt 1 sẽ được công bố sau 2-3 tuần, tức ngày 15-20/4/2024.
Từ ngày 1/4/2024, kỳ thi tiếp tục nhận thí sinh đăng ký dự thi cho các đợt thi tiếp theo tại Gia Lai (ngày 4, ngày 5/5/2024), Long An (ngày 11, ngày 12/5/2024), Đà Nẵng (ngày 17, ngày 18/5/2024) và ngày 7/4/2024 cho đợt thi tại TP.HCM (diễn ra vào ngày 21, 22, 23/5/2024).
Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký 1 hoặc nhiều bài thi trong số các bài thi kể trên, và tham gia dự thi 1 hoặc cả 5 đợt để tăng cơ hội trúng tuyển.