Tuy nhiên, nếu bị nghẹt mũi kéo dài trên 3 tuần cùng với triệu chứng đau tai, ù tai, đau họng,… điều đó có nghĩa là người bệnh có nguy cơ mắc những bệnh viêm xoang mũi, viêm họng, viêm tai vòi…
Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC (Hà Nội) cho biết, nghẹt mũi là hiện tượng niêm mạc mũi bị tổn thương hoặc viêm nhiễm. Từ đó, dẫn đến sưng tấy, chất dịch nhầy nhiều lên cản trở đường vào của không khí. Khi ấy, một hoặc cả hai bên mũi sẽ bị tắc nghẽn, gây cảm giác khó khăn khi thở bằng mũi và thường xuyên phải dùng miệng để thở.
Theo bác sĩ Ngọc, có một tình trạng chung dễ thấy là số đông mọi người không biết tại sao lại bị nghẹt mũi khi đi ngủ. Thực tế, hiện tượng này thường xảy ra do nhiều nguyên nhân.
Trong đó, người dị tật bẩm sinh cũng thường bị nghẹt mũi khi ngủ. Trẻ sơ sinh thường dễ bị hiện tượng này, khi cửa sau mũi có một tấm màng mỏng hoặc một khối xương bí kín. Vì thế, trẻ có thể bị nghẹt một hoặc cả hai bên mũi và không thở được.
Ngoài ra, một số bệnh lý cũng gây nghẹt mũi khi ngủ, bao gồm: Viêm xoang, viêm mũi dị ứng, cảm cúm, viêm Amidan, trào ngược dạ dày thực quản. Trong đó, viêm xoang là tình trạng lớp niêm mạc lót phía bên trong các xoang bị viêm do nhiễm trùng sau khi cảm cúm. Từ đó, gây ra hiện tượng tăng tiết dịch và chảy dịch từ xoang qua khe mũi, gây nên hiện tượng nghẹt mũi khi đi ngủ.
Trong khi đó, một số người cơ địa vô cùng nhạy cảm với biến đổi từ khí hậu hoặc môi trường ô nhiễm nên bị viêm mũi dị ứng với các triệu chứng: Mũi ngứa, sổ mũi, hắt hơi liên tục,... Nhiều người khi bị như vậy không biết tại sao bị nghẹt mũi khi đi ngủ, cho đến khi đi khám mới biết mình bị viêm mũi dị ứng.
Ngoài ra, tình trạng bị nghẹt mũi khi đi ngủ do cảm cúm là khá phổ biến. Tình trạng này thường kèm theo các triệu chứng như đau đầu, sốt, mệt mỏi, người đau nhức. Thông thường, cảm cúm sẽ kéo dài 7 - 10 ngày. Khi hết cảm, tình trạng nghẹt mũi cũng sẽ biến mất.
Viêm Amidan là bệnh lý xảy ra do vi khuẩn tích tụ trong các dịch mũi còn tồn đọng và hố amidan gây tắc nghẽn hô hấp. Do đó, đây cũng là một trong những căn nguyên giải thích cho tình trạng tại sao bị nghẹt mũi khi đi ngủ.
Đối với bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tình trạng này xảy ra khi các loại thức ăn trong dạ dày chảy ngược lên trên họng và có cả trường hợp trào lên mũi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, viêm mũi và bệnh lý này có mối liên quan với nhau. Người bệnh dễ bị trào ngược nặng về đêm khi tư thế ngủ dễ tạo điều kiện cho dòng chảy ngược chiều. Từ đó, khiến người bệnh bị nghẹt mũi khi nằm ngủ.
Một số tác nhân bên ngoài khác cũng có thể gây nghẹt mũi khi ngủ. Đó là do sự tác động của các tác nhân bên ngoài như: Khói thuốc lá, lông thú, phấn hoa, nấm mốc,... kích thích làm lỗ mũi bị sưng nề vào ban đêm và nghẹt mũi.
Theo bác sĩ Kim Ngọc, hầu hết trường hợp nghẹt mũi khi đi ngủ không quá nguy hiểm. Song, nếu cứ để kéo dài, tình trạng này sẽ trở thành rào cản trong cuộc sống hằng ngày, chuyển sang giai đoạn mãn tính hoặc ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây biến chứng không tốt cho sức khỏe.
Các tác hại cần đặc biệt chú ý có thể kể đến như: Mất ngủ gây mệt mỏi thể chất và tinh thần; não thiếu oxy nên dễ bị đau đầu, chóng mặt; suy nhược cơ thể; viêm họng; viêm thanh quản; viêm phế quản,... Đặc biệt, nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ càng cần được chú ý hơn vì nó ảnh hưởng đến khả năng bú, giấc ngủ và sự phát triển của trẻ.
Theo bác sĩ Lê Huy Hùng - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), các bé thường có hốc mũi hẹp hơn người lớn, nên dễ bị nghẹt mũi về đêm khi bị viêm nhiễm hoặc mũi có quá nhiều dịch. Trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ sơ sinh thở chủ yếu bằng mũi vì chưa thể thở bằng miệng như người lớn. Hơn nữa, các bé cũng chưa biết cách xì mũi để đẩy dịch ra ngoài như người lớn.
Khi nghẹt mũi, bé có thể bị ảnh hưởng thính giác hay ảnh hưởng đến giấc ngủ - yếu tố cần thiết cho quá trình phát triển cơ thể. Bên cạnh đó, chứng nghẹt mũi cũng có thể gây ra các tác động lâu dài khác như ảnh hưởng quá trình phát triển khả năng nói, hay nhiễm trùng tai và xoang do dịch nhầy.
Để bé có giấc ngủ thật ngon và phát triển toàn diện, cha mẹ cần xác định lý do khiến con bị nghẹt mũi và áp dụng một số phương pháp chăm sóc phù hợp.
Nếu bé bị nghẹt mũi, phụ huynh có thể áp dụng một số cách để tình trạng của trẻ không trở nặng vào ban đêm và không ảnh hưởng giấc ngủ. Cha mẹ nên kê gối hoặc nâng đầu giường của con sao cho trẻ có thể nâng cao đầu khi ngủ. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý quan sát để tránh bé bị ngạt khi nằm gối cao.
Đồng thời, có thể sử dụng máy tạo độ ẩm hay máy phun sương để không khí trong phòng ngủ không quá khô. Điều này sẽ giúp khoang mũi của bé không bị khô.
Cha mẹ cũng cần vệ sinh máy mỗi ngày để không khí luôn sạch. Mẹ cũng lưu ý tiếp tục cho bé bú nhiều hơn bình thường để cung cấp dịch lỏng cho cơ thể. Lưu ý là với các bé đã ăn dặm, mẹ có thể cho trẻ uống thêm chút nước để dịch trong mũi loãng hơn và không gây nghẹt mũi.
Sử dụng nước muối sinh lý dạng nhỏ hoặc xịt mũi dịu nhẹ cũng là một biện pháp giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi của trẻ. Cha mẹ có thể tìm mua các loại nước muối này dễ dàng tại hiệu thuốc.
Hoặc, dùng bình rửa mũi để vệ sinh mũi cho bé. Khi rửa mũi cho bé, cần lưu ý chọn loại bình rửa phù hợp với độ tuổi của con. Một biện pháp khác là làm ấm không khí trong phòng bằng cách đặt một chậu nước ấm để bé hít thở không khí ấm và ẩm trước khi ngủ.
“Nếu bé bị nghẹt mũi do dị ứng, cha mẹ cần dọn dẹp phòng thường xuyên để loại bỏ những tác nhân gây dị ứng. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể chuẩn bị máy lọc không khí để giảm thiểu tác nhân gây dị ứng có trong không khí”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Theo bác sĩ Kim Ngọc, có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng nghẹt mũi. Vì vậy, muốn chấm dứt tình trạng này, cách duy nhất là phải tìm ra chính xác căn nguyên tại sao bị nghẹt mũi khi đi ngủ để có biện pháp phù hợp. Bên cạnh đó, không phải ai cũng chung căn nguyên làm xảy ra hiện tượng này. Do đó, bệnh nhân tuyệt đối không nên nghe lời khuyên hay kinh nghiệm chữa trị từ người khác rồi áp dụng cho mình. Bởi, việc làm đó dễ khiến bệnh nặng hơn và thậm chí còn khiến cho việc điều trị sau này khó đạt kết quả tốt.