Vào khoảng 1971 - 1973 Trịnh Công Sơn từng đóng vai chính trong một bộ phim về chiến tranh Việt Nam có tên Đất khổ.
Đất khổ (tên tiếng Anh Land of sorrows) xoay quanh ảnh hưởng của chiến tranh lên một gia đình Huế với những mâu thuẫn giữa các quyết định ra đi hay ở lại của từng thành viên trước viễn cảnh mịt mù của quê hương. Không nhằm miêu tả cuộc chiến bạo liệt hay những thế lực thù địch đối kháng, bộ phim tuyệt nhiên là câu chuyện về tình yêu, tình ruột thịt, lòng yêu nước, sự gắn bó với văn hóa xứ sở và tiếng nói của giống nòi…
Câu chuyện bắt đầu bằng hành trình đi bộ vượt đèo Hải Vân từ Đà Nẵng về Huế thăm mẹ của nhạc sĩ Trịnh Quân (Trịnh Công Sơn đóng). Thấp thoáng trên vai, trong túi xách tay của anh là chùm hoa mang về tặng người yêu tên Diễm nhân sinh nhật của cô. Huế im ắng lạ thường, thành quách cổ kính rêu phong tắm mình trong cái se lạnh của những ngày cuối năm. Diễm ẩn hiện, nhẹ nhàng e ấp trước mặt Quân. Trong cái vui chưa trọn vẹn, Quân được em gái báo tin Diễm đã lấy chồng.
Trong bối cảnh đó, gia đình Quân chính là điển hình cho hàng triệu gia đình Việt trong thời ly loạn: bà mẹ góa bụa chịu đựng bao đau khổ (Bích Hợp đóng), cô chị gái (Xuân Hà) quá thì vì vò võ đợi chờ người yêu - một anh lính biệt động quân bị lạc ra khỏi binh chủng (nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt đóng), cô em út (Vân Quỳnh) là sinh viên yêu nước, chống chiến tranh. Gia đình ấy còn có thêm hai người anh: một bác sĩ phục vụ chiến trường Dak Tô và một đại úy quân lực Cộng hòa. Đặc biệt, một người lính Mỹ (do diễn viên Hoa Kỳ Jerry Liles đóng) vứt súng bỏ hàng ngũ quay lưng lại chiến tranh cũng góp mặt.
Trong phim hình ảnh Trịnh Công Sơn trang phục jacket bụi bặm, tóc dài thượt, mặc quần jeans ống loe vai vác cây guitar trông như thể mang cây thập tự đời mình - ngồi say sưa hát về tình yêu và thân phận người Việt giữa tiếng bom cày. Trong không khí của một bên là đám đông hừng hực khí thế phản đối cuộc chiến tương tàn, một bên là những con người trẻ ủy mị đắm đuối trong làn sóng hippy của nền văn hóa phương Tây ngột ngạt, tù hãm.
“Em đừng quên rằng chúng ta đang sống trong chiến tranh, chiến tranh ảnh hưởng đến đời sống của mọi người, những người thanh niên không dám nghĩ đến tình yêu, đời sống cơ cực làm cho người ta đôi khi muốn yêu nhau không được. Riêng về anh làm nhạc, anh phải thông cảm nỗi khổ đau của tất cả mọi người. Có thể vì thế nhiều khi làm cho em không được vui. Tuy nhiên bao giờ anh cũng mong em hiểu rằng, anh luôn luôn cần có em bên cạnh…”, một trong những đoạn thoại đầy chân thực, đưa ra cái nhìn thẳng thắn và trực diện về mặt trái của chiến tranh, song cũng không kém phần lãng mạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi hóa thân vào nhân vật trong phim.
Ngoài ra, trong phim còn sử dụng nhiều bản nhạc của Trịnh Công Sơn: Dựng lại nhà dựng lại người, Khi đất nước tôi thanh bình, Đại bác ru đêm… được hát mộc, nghe ấm áp, dung dị mà vẫn thấy lòng phơi phới. Đây không phải là vai khó của Trịnh Công Sơn, có thể nhìn thấy ngay con người thật, cả tư duy, nếp nghĩ lẫn tính cách và thần thái của anh qua hình ảnh Trịnh Quân. Trịnh Công Sơn diễn mà như không diễn.
Có thể xem Đất khổ là bản tư liệu quý, ngoài Trịnh Công Sơn còn có khá nhiều văn nghệ sĩ lừng danh như nhà văn Sơn Nam, Kiên Giang, Thành Lộc, Bạch Lý, Kim Cương, diễn viên Diễm Kiều, nhạc sĩ Miên Đức Thắng… góp mặt trong các vai nhỏ. Không khó để nhận ra Kim Cương vào vai một bà mẹ chạy loạn. Người đàn bà đau khổ này ôm chặt đứa con nhỏ đã chết tự hồi nào ngồi lặng lẽ nhìn đám đông tị nạn ồn ào với vẻ mặt vô cảm… Phân cảnh bà điên loạn buông đứa con rớt xuống đất khá kịch tính. Lối diễn xuất này thích hợp không khí kịch sân khấu hơn nhưng vẫn làm người xem lặng đi, sự khốc liệt của chiến tranh được đẩy lên cao ngất.
Gần như đều là chỗ bạn bè thân quen hoặc là đồng hương Huế với đạo diễn Hà Thúc Cần, tất cả các diễn viên đóng trong phim Đất khổ hoàn toàn không nghĩ tới chuyện cát-xê.
Phim được hoàn thành vào năm 1974 và sau đó lưu lạc sang nước ngoài, sau đó rơi vào tay một người nước ngoài vốn là nhà kinh doanh có liên quan đến phim ảnh vì ông này có người thân tham gia trong ê-kíp làm phim.
Sau này, phim có dịp quay trở lại Việt Nam cách đây vài năm, chiếu trong một số buổi kỷ niệm ngày giỗ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhà thơ Đỗ Trung Quân – người từng có dịp xem bộ phim này đã hào hứng chia sẻ, ông và mọi người đã được gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở cái thời mà vị nhạc sĩ này “hết sức đẹp trai” và hình ảnh của ông gắn với cây đàn guitar trông vô cùng nghệ sĩ.