Dân Việt

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Kinh tế thành phố vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ

Bạch Dương 02/04/2024 16:46 GMT+7
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II/2024 chiều 2/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, kinh tế quý I có nhiều điểm sáng nhưng vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ, nhiệm vụ của các quý sau vẫn rất nặng nề.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Kinh tế thành phố vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại phiên họp. Ảnh: Minh Hiệp

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, kinh tế TP có kết quả phát triển tương đối khá trong quý I. Tuy nhiên, nhiều tồn tại cũ chưa được giải quyết dứt điểm, nhiều tồn tại mới đã phát sinh.

"Nhìn chung, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I của chúng ta tương đối khá. Tuy nhiên, chúng ta vui mừng, phấn khởi nhưng phải thấy tác động khó khăn từ bên ngoài. Bên trong, nhiều tồn tại đến giờ chưa giải quyết dứt điểm và phát sinh những tồn tại mới", ông Mãi nhận định.

Theo ông Mãi, tăng trưởng tín dụng quý I chưa cao, dư địa lãi suất tác động đến phục hồi, tăng trưởng còn thấp, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn so với cùng kỳ. Ông Phan Văn Mãi cũng đánh giá, thị trường bất động sản phục hồi chưa tốt.

Người đứng đầu chính quyền thành phố nhìn nhận, qua các dấu hiệu trên, nền kinh tế Việt Nam và TP.HCM chưa phục hồi mạnh mẽ, nhiệm vụ của quý II và các quý sau vẫn rất nặng nề.

Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 406.000 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ.

Tất cả các ngành dịch vụ của TP.HCM đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là ngành vận tải kho bãi với mức tăng 16,24%, kế đến là dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%.

Theo số liệu báo cáo Kho bạc Nhà nước Thành phố, tính đến ngày 29/3, tổng vốn số vốn đã giải ngân là 4.481 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,7%. Dự kiến đến hết ngày 31/3, tổng số vốn giải ngân là 5.566 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,02%.

Lãnh đạo TP nhận định, một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng thấp hoặc không đạt; tăng trưởng tín dụng yếu; thu hút FDI giảm về quy mô vốn (giảm 7,61% so với cùng kỳ); Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (hơn 20%).

Mặc dù đã được nhận diện, việc thực hiện khắc phục 6 điểm nghẽn trong cải cách thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu, tiến độ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ phức tạp, đề án lớn, dự án mới còn chậm.

Ngoài các nguyên nhân khách quan do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; việc tháo gỡ các vướng mắc trong các dự án bất động sản chưa thể thực hiện được do chưa có chủ trương từ Trung ương, Chính phủ, còn có các nguyên nhân chủ quan khác như việc phê duyệt ban hành thực hiện các đề án theo tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung còn chậm;

Khối lượng công việc tiếp tục ngày càng nhiều, đội ngũ cán bộ, công chức các cấp vừa tập trung xử lý các vụ việc tồn đọng kéo dài, vừa giải quyết các công việc thường xuyên và các nhiệm vụ phát sinh từ thực tiễn trong điều kiện thành phố đang triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, tiến độ và hiệu quả thực thi...