Tết Hàn thực 2024 diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm.
Chuyên gia Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp KHCN Tin học Ứng dụng UIA cho biết, Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ được truyền tụng qua nhiều đời về hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi. Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn. Tết Hàn thực có ý nghĩa là ngày Tết ăn đồ lạnh.
Tết Hàn thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay và khi du nhập vào Việt Nam, ngày lễ này thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. Ngày lễ có ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất.
Chuyên gia Vũ Thế Khanh cho biết thêm, nhiều người nhầm Tết Hàn Thực với Tết thanh minh. Mặc dù có những năm Tết Thanh minh trùng với Tết Hàn Thực (vào ngày 3/3), nhưng đây là 2 ngày lễ trọng hoàn toàn có ý nghĩa khác nhau.
Tết Hàn Thực trên thực tế có nguồn gốc từ Trung Quốc, qua quá trình du nhập đã thay đổi cho phù hợp với văn hóa Việt Nam. Cùng ngày Tết ấy, người ta lại làm mâm lễ khấn thờ trời đất, thần linh và gia tiên tiền tổ.
Các đồ cúng tượng trưng cho lễ nghi truyền thống, đó là trầu cau, bánh trôi, bánh chay (cúng tượng trưng cho Trời Đất, thần linh và tổ tiên, thân quyến), có mâm hoa quả nhiều màu sắc (thường thì từ 5 đến 7 màu) có ngọn đèn, chén nước trong, hương, hoa,.... Và cũng trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày này cũng cố gắng về với gia đình để đi tảo mộ, cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp.
Mọi người không cúng bánh trôi, bánh chay mà cúng thứ khác ngày này cũng không sao nhưng lưu ý nên cúng bằng lễ chay, không nên sát sinh.
Bởi quan niệm, gia tiên được ăn chay, niệm Phật mới dễ siêu thoát và việc không sát sinh ngụ ý hồi hướng công đức cho con người. Không sát sinh cũng ngụ ý để thể hiện sự tôn kính, hồi hướng công đức với người đã khuất.