LTS: Tại dự thảo Luật tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi (khoản 3, Điều 141) có quy định: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp".
Tại hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng từng phát biểu lý giải việc "thắt chặt ghi âm, ghi hình" tại phiên tòa. Đề xuất như trong dự thảo Luật tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi, không chỉ dẫn tới chồng chéo giữa các luật, đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tác nghiệp báo chí.
Báo Dân Việt xây dựng loạt bài "Bảo đảm quyền tác nghiệp của báo chí tại các phiên tòa" để phân tích chỉ ra những bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của đề xuất nêu trên, nhằm bảo vệ quyền hoạt động tác nghiệp của báo chí.
Bên cạnh đó, loạt bài cũng nêu các giải pháp để đảm bảo sự hài hòa giữa tác nghiệp báo chí và hoạt động xét xử của tòa, đảm bảo tính tôn nghiêm, cũng như bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Bài 1: Tòa án xét xử công khai, thẩm phán nói đúng luật, sợ gì nhà báo ghi âm?
Theo chuyên gia pháp luật, hoạt động ghi âm, ghi hình của nhà báo được điều chỉnh bởi Luật Báo chí nên Luật Tổ chức tòa án "quàng" thêm nội dung này là chồng chéo. Hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước, nếu làm đúng quy định sẽ không bị áp lực trước ống kính.
Nguy cơ luật này chồng chéo luật khác
Ngày 4/4, TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) xét xử trùm cờ bạc Nguyễn Minh Thành, người nổi tiếng trên mạng xã hội với màn tặng siêu xe cho bạn gái. Tuy xử công khai, nhưng tòa án "cấm cửa" các nhà báo vào đưa tin, dù họ có thẻ nhà báo theo quy định.
Đây không phải hiện tượng đơn lẻ khi những phiên tòa gần đây, phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại tòa bị hạn chế tác nghiệp. Như trong các phiên xử vụ Việt Á, Tân Hoàng Minh, dù tòa đã bố trí phòng riêng để theo dõi diễn biến qua màn hình tivi nhưng lực lượng an ninh vẫn cấm nhà báo mang theo máy ghi âm, điện thoại, laptop; tất cả chỉ được dùng giấy bút ghi chép.
Hay trong phiên xử bà Trương Mỹ Lan tại TAND TP.HCM, các nhà báo cũng không được ghi âm, ghi hình ngay cả gián tiếp qua màn hình tivi. Muốn đưa tin, các phóng viên phải "mượn" laptop của tòa án để viết bài rồi cuối mỗi buổi làm việc mới được cầm USB ra ngoài truyền nội dung về tòa soạn; ai ra ngoài trước sẽ không được vào theo dõi tiếp trong buổi xét xử đó.
Các quy định của pháp luật hiện hành đang cho nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại tòa, bao gồm các hoạt động ghi âm, ghi hình, viết bài tường thuật, phỏng vấn… Nhưng trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND hiện đang được lấy ý kiến, có nội dung hạn chế việc này.
Cụ thể, khoản 3, Điều 141 của Dự thảo nêu, việc ghi âm, ghi hình ảnh tại tòa chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc với sự đồng ý của chủ tọa.
Đánh giá quy định trên, luật sư Lê Vĩnh Thụy (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu ý kiến, hoạt động tác nghiệp của phóng viên đã được quy định trong Luật Báo chí còn Luật Tổ chức tòa án có phạm vi điều chỉnh về: "Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong TAND; bảo đảm hoạt động của TAND".
Như vậy, nếu dự thảo Luật Tổ chức tòa án mới được thông qua nội dung trên, nó sẽ điều chỉnh cả hoạt động tác nghiệp của cơ quan báo chí và nhà báo – vốn là phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí. Chưa kể, quy định trong dự thảo Luật này còn chồng chéo với luật hiện hành.
Luật sư Thụy viện dẫn, Điều 25 Luật Báo chí quy định phóng viên: "Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật".
Theo luật, "hoạt động báo chí" là việc sáng tạo tác phẩm, tức sản xuất tác phẩm báo chí và in, truyền dẫn tới người đọc và muốn thực hiện được, phóng viên phải có căn cứ như ghi âm, ghi hình nên: "Không thể bắt viết bằng tay rồi ra ngoài lấy laptop gõ lại từng chữ. Nhỡ viết sai, nghe không rõ, lấy gì đối chiếu?".
Không thể hạn chế báo chí tác nghiệp
Dự thảo Luật Tổ chức tòa án lại quy định việc ghi âm, ghi hình của nhà báo chỉ được thực hiện với sự đồng ý của chủ tọa. "Giả sử chủ tọa không thích, không đồng ý cho ghi âm các nhà báo sẽ không thể đưa tin trung thực, khách quan về quá trình xét xử vụ án", luật sư Lê Vĩnh Thụy nêu quan điểm.
Ông nói thêm, cần quy định điểm này theo hướng, nhà báo được tác nghiệp tại các phiên tòa công khai sau khi chủ tọa kiểm tra giấy tờ, thủ tục, thấy đúng và đủ. Như vậy sẽ rõ ràng hơn, đảm bảo quyền tự do báo chí vốn được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và cũng tránh được trường hợp chủ tọa "lạm quyền" với hoạt động báo chí.
Trước ý kiến cho rằng việc ghi âm, chụp ảnh sẽ khiến Hội đồng xét xử, người tiến hành hoặc tham gia tố tụng "phân tán tư tưởng" bởi không ai muốn bị đưa hình ảnh xấu, luật sư Thụy cho hay không đồng tình.
Ông nói: "Hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước để làm việc nên những người tiến hành/tham gia tố tụng và bị cáo có mặt tại tòa cần được phản ánh trung thực, dù tốt hay xấu. Tòa xử công khai, thẩm phán làm đúng quy định, tại sao phải hạn chế báo chí tác nghiệp hay ngại ngùng trước ống kính? Nói gì cũng đúng luật, sợ gì phóng viên ghi âm?"
Luật sư Thụy tiếp lời, trong các vụ án hình sự, bản án của tòa thường có câu, hình phạt với một người ngoài tác dụng cho chính họ còn: "Đảm bảo răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung". Báo chí đưa tin đầy đủ một phiên tòa, chắc chắc sẽ giúp cho việc giáo dục, phòng ngừa chung nên cần tạo điều kiện, thay vì cấm, cản phóng viên tác nghiệp.
Với quan điểm mỗi người có quyền với hình ảnh của mình, luật sư Lê Vĩnh Thụy viện dẫn Điều 32 Bộ luật Dân sự thể hiện, có một số trường hợp được sử dụng hình ảnh không cần sự đồng ý của nhân vật trong ảnh, như: "Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác".
Phiên tòa công khai có thể coi là hoạt động công cộng mà người tới dự cần xác định có thể thấy hình ảnh của mình trên báo chí. Luật sư so sánh, giống như: "Ra sân Mỹ Đình xem bóng đá, không ai có thể cấm chiếu khán giả trên khán đài. Ngay cả cầu thủ trên sân, đôi khi vẫn có hình ảnh xấu nhưng không ai hỏi xem họ có đồng ý lên tivi hay không?".
Ngược lại, luật sư Lê Vĩnh Thụy cũng cho rằng để đảm bảo sự tôn nghiêm của phiên tòa, cần bố trí khu vực riêng cho phóng viên chụp ảnh, tránh đi lại nhiều gây ảnh hưởng người khác. "Như tại tòa án quân sự, phóng viên được lên chụp ảnh trong 10 phút đầu giờ, đảm bảo cho cả tòa án lẫn báo chí làm việc".
Riêng về quyền được ghi âm của nhà báo, luật sư Thụy khẳng định: "Không thể cấm, nhỡ nhân vật tố cáo họ viết sai, lấy gì chứng minh?". Ngoài ra, trong các vụ án lớn, nội dung phức tạp, liên quan nhiều số liệu… các nhà báo sẽ không thể viết tin "đúng, đủ, khách quan" nếu không nghe lại ghi âm. Còn việc phóng viên, cơ quan báo chí sử dụng bản ghi âm đó ra sao, đã có Luật Báo chí điều chỉnh.
(Còn nữa)