Cụ thể, nam bệnh nhân N.D.T (SN 1992 - 32 tuổi) ở thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam có tiền sử bị bệnh xương khớp, lòng bàn chân trái đau nhức, cảm giác khó chịu.
Người nhà đã đưa bệnh nhân vào 1 bệnh viện ở TP.HCM để khám bệnh. Trong lúc chờ khám, bệnh nhân uống nước phát hiện có cảm giác nghẹn, nuốt khó, khó thở. Qua khai thác bệnh sử, triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân được tư vấn chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP. HCM) để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Trong thời gian theo dõi tại bệnh viện, bệnh nhân có cảm giác sợ gió, lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán bệnh dại với tiên lượng nặng. Sáng ngày 30/3, người nhà thấy bệnh nặng nên xin về nhà, đến chiều cùng ngày bệnh nhân tử vong tại nhà.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, tại gia đình của bệnh nhân, có nuôi 2 con chó lớn, 5 con chó nhỏ. Trong đó, có 4 con chó nhỏ bị chết, không rõ lý do, cụ thể thời gian chết.
Bệnh nhân là người thường xuyên tiếp xúc và cho những động vật này ăn. Thêm vào đó, tình hình nuôi chó thả rông nhiều và chưa được tiêm phòng dại chiếm tỷ lệ cao tại khu phố Lập Hòa, thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam). Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh dại trên người ở địa phương này.
Trước đó, những tháng đầu năm của năm 2024, Bình Thuận ghi nhận 3 ca tử vong nghi do bệnh dại. Đó là Hàm Tân 1 ca, La Gi 1 ca và Hàm Thuận Nam 1 ca. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có 4 cả tử vong nghi do bệnh dại...
Trước tình hình này, ngành y tế và chính quyền điạ phương đã khuyến cáo, những người nuôi chó phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Không không thả rông chó, rọ mõm, có người dẫn dắt khi ra đường và tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo theo quy định của ngành thú y.
Khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại và tuyệt đối không sử dụng các phương pháp dân gian, đắp lá cây...