Dân Việt

Vì sao tiểu thuyết kinh dị bán chạy như "tôm tươi"?

Trọng Hà (Theo The Guardian) 06/04/2024 06:05 GMT+7
Theo dữ liệu cho thấy 2023 là một năm đột phá về doanh số bán sách thuộc thể loại này. Nhiều người cho rằng, tiểu thuyết kinh dị hiện đang có một thời kỳ hoàng kim.

Theo Bookseller, trong khoảng thời gian giữa năm 2022 và năm 2023, doanh số bán truyện kinh dị và ma quái đã tăng 54% về giá trị lên 7,7 triệu bảng Anh (khoảng 240 nghìn tỷ đồng) – năm đạt doanh thu lớn nhất của thể loại này kể từ khi các thống kê chính xác bắt đầu. Trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh số bán hàng đã tăng 34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty dữ liệu bán sách Nielsen BookScan.

Vì sao tiểu thuyết kinh dị bán chạy như "tôm tươi"?

Các nhà văn và nhà xuất bản kinh dị cho rằng, sự bùng nổ này một phần là do bản chất "thời sự" của thể loại này. “Kinh dị là một thể loại có xu hướng thăng trầm theo những gì đang diễn ra trên thế giới nói chung, giương cao tấm gương đen tối phản ánh những nỗi kinh hoàng có thật trong thế giới thực", Jen Williams, tác giả cuốn tiểu thuyết "The Hungry Dark" phát hành vào tuần tới cho biết. 

“Do chúng ta đang ở trong một thời kỳ biến động đáng sợ  – chiến tranh, đại dịch, biến đổi khí hậu và thật thú vị khi thể loại kinh dị đang quay trở lại, trở thành tâm điểm và thậm chí còn tiếp cận một lượng lớn độc giả hơn", tác giả cuốn tiểu thuyết "The Hungry Dark" chia sẻ thêm.

Vì sao tiểu thuyết kinh dị bán chạy như "tôm tươi"?- Ảnh 1.

"The Invisible Hotel" của tác giả Yeji Y Ham. Ảnh: The Guardian.

"Kinh dị có bản chất "chính trị", Joanna Lee, biên tập viên tại Atlantic Books cho hay. Cô nói thêm rằng, trong những cuốn sách như "The Invisible Hotel" của Yeji Y Ham, nơi nỗi kinh hoàng được dùng để “đối mặt với cuộc sống trong cái bóng dài của một cuộc chiến không thể tránh khỏi”, những yếu tố “hoang dã, bất ổn” của thể loại này “bộc lộ sự thật về thực tế mà khó có thể truyền tải bằng cách khác".

Suzie Dooré, biên tập viên tại Borough Press cho biết, trong khi các chuyên gia thường nói rằng độc giả tìm kiếm những chủ đề vui vẻ hơn trong thời kỳ đen tối thì “xu hướng này đang đi ngược với nhận định đó. Có lẽ độc giả đang tìm tới những điều tăm tối hơn để quên đi thực tại".

"Có một làn sóng nữ quyền đặc biệt trong nhiều cuốn sách kinh dị mới và đây cũng là một xu hướng đang lan tỏa trên TikTok và Instagram" là nhận định của Sarah Stewart-Smith, giám đốc quảng cáo tại Verve Books, công ty đã xuất bản các tiểu thuyết kinh dị như "Just Like Mother" của Anne Heltzel.

"Những câu chuyện về sự đồng thuận, tình mẫu tử và sự vi phạm chuẩn mực đang “bùng nổ về mức độ phổ biến”, Stewart-Smith chia sẻ thêm. Độc giả bị cuốn hút bởi những câu chuyện về “sự bộc lộ của cơn thịnh nộ của phụ nữ và những gì xảy ra khi bị kìm nén quá lâu, cuối cùng cũng vỡ òa”, một điều mà thể loại kinh dị truyền tải "một cách hoàn hảo".

Jane Flett (tác giả cuốn tiểu thuyết "Freakslaw" được xuất bản vào tháng 6/2023) đồng ý rằng, sự trỗi dậy của thể loại kinh dị là một phản ứng chống lại “tổn thương mà chúng ta đã trải qua trên toàn thế giới” trong những năm gần đây. “Nép mình vào bóng tối mang lại một cảm giác thoải mái kỳ lạ, khi mọi thứ trong cuộc sống đang trở nên quá sức chịu đựng của nhiều người. Nhưng nói một cách cụ thể hơn, đối với tôi, thể loại kinh dị dành cho người đồng tính cung cấp một không gian, nơi tôi được chơi đùa với cả quyền lực và sự bất lực. Việc chủ động nương theo những cảm giác đó mang lại hiệu quả xoa dịu đáng kể, trong một thế giới thường xuyên lấy đi quyền tự quyết của chúng ta", Jane Flett cho hay.